Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC.
– Kn 12, 13,16-19; Mt 13, 24-43.
Thiên Chúa là Tình Yêu! Một trong những phương thức tuyệt vời nhất Chúa dùng để biểu lộ Tình Yêu, đó là LÒNG NHẪN NẠI. Đó là chủ đề chính của Lời Chúa hôm nay, Chúa nhật 16A Thường Niên. Mục đích của lòng nhẫn nại là vì Chúa muốn mọi người có đủ thời giờ để thức tỉnh, hoán cải và được cứu độ.
Lòng nhẫn nại đó Chúa còn muốn thông truyền qua cho dân Chúa, cho người công chính để tội nhân có hy vọng trở về, sám hối.
Để có thể có được đức nhẫn nại mà Thiên Chúa muốn, cần phải:
1/ Phải tôn trọng định luật thời gian của công trình sáng tạo, không thể đốt giai đoạn. đòi giải quyết mọi sự ngay tức khắc như ý ta mong muốn, theo cách thức ta cho là tốt. (x. Mt 13,28b) Cần phân biệt “Phải bắt đầu ngay” với “Phải hoàn tất ngay”.
2/ Phải can đảm thay đổi cái chuẩn mực “Công bình xơ cứng” bằng cái nhìn cảm thông, khao khát mọi người đều được hưởng ơn tha thứ, cứu độ.
3/ Trong những tương quan với quyền lợi trước mắt của bản thân, người nào chấp nhận đường lối nhẫn nại của Thiên Chúa, cũng phải thực tế chấp nhận một chút thiệt thòi vật chất về phần mình.
4/ Và quan trọng nhất, để có thể nhẫn nại như Chúa là phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào đường lối của Người; Dám phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong niềm trông cậy vững tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”(Lc 1,37)
Một trong những cơn cám dỗ lớn của con người là không muốn chấp nhận phận thọ tạo giới hạn, cụ thể là không chịu nhẫn nại, không chấp nhận địng luật thời gian: Muốn NGAY TỨC KHẮC, chỉ cần ăn trái cây Chúa cấm là sẽ thành thần linh (St 3,5).
Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho ta một điểm của phần thọ tạo: Định luật thời gian, PHẢI CÓ THỜI CÓ LÚC (Gv 3,1.17b); Vậy NHẪN NẠI phải là một nhân đức quan trọng của con người.
Trong bài đọc 1, tác giả sách Khôn Ngoan xác tín Thiên Chúa là thần linh duy nhất, Người là chuẩn mực, là chủ mọi loài, và Người hành xử uyển chuyển, tùy nghi và lợi ích của tạo vật:
– Lẽ ra đối với kẻ không ti vào quyền năng của Người thì có thể thị uy buộc phải khuất phục.
– Đối với những ai đã biết Người mà còn to gan chống lại thì lẽ ra Người phải trừng trị nặng.
Tuy nhiên Thiên Chúa đã không làm như vậy, Người đã xử sự khoan hồng vì Người làm chủ được sức mạnh của Người, Người lấy lòng từ bi mà cai trị. Thế nhưng con người không thể lạm dụng lòng từ bi Chúa để ở lì trong tội, vì Thiên Chúa có thể biểu lộ quyền năng bất cứ lúc nào Người muốn.
Chúa nhẫn nại cũng còn vì Người muốn những ai có công chính hãy sống nhẫn nại như Người, tạo điều kiện cho người tội lỗi có hy vọng được phục hồi mà sám hối.
Còn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đề cập đến lòng nhẫn nại của Thiên Chúa qua dụ ngôn “Lúa và cỏ lùng”. Điểm cần lưu ý là những gì kể trong dụ ngôn này CHỈ XẢY RA TRONG NƯỚC TRỜI. Nước Trời ấy được Chúa Giêsu mang vào trần gian. Vậy ai muốn gia nhập Nước Trời ấy thì phải nắm bắt được qui luật của nó. Qui luật của dụ ngôn hôm nay là NHẪN NẠI.
Chủ ruộng gieo giống tốt trong ruộng mình. Nhưng kẻ thù rình phá đã gieo thêm cỏ lùng vào ruộng. Khi cỏ lùng cũng lớn lên, gia nhân phát hiện thấy cỏ lùng mọc chung lúa. Họ đã trình báo sự việc cho chủ và hăng hái xin nhổ cỏ lùng NGAY TỨC KHẮC. Nhưng phản ứng của chủ hết sức lạ lùng” CHỜ ĐẾN VỤ GẶT! Lý do sợ gia nhân vì không phải là THỢ sẽ làm hư luôn lúa đang còn non. Vậy chủ nhẫn nại là vì ích lợi của cây lúa. Tuy nhiên, ông không nhu nhược lề mề… Vì đến Mùa Gặt ông sẽ sai THỢ đi thu hoạch. Lúc đó số phận của cỏ và của lúa sẽ được phân biệt rõ ràng. Chúa nhẫn nại là vì lợi ích của ơn cứu độ chúng ta.
Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết đón nhận lòng nhẫn nại của Chúa để sám hối sửa mình; Đồng thời đến phiên mình, mình cũng biết nhẫn nại với tha nhân để khi Mùa Gặt đến, mọi hạt giống chủ đã gieo đều sinh hoa kết trái dồi dào đáp lại Tình Yêu nhẫn nại bao la của Thiên Chúa.