– Chúa Giêsu nói: ”Chính anh em…hãy nghỉ ngơi đôi chút.”( M 6, 31)
Một trong những vấn đề được thế giới hôm nay quan tâm, đó là việc nghỉ ngơi. Quốc gia, ngành nghề, tập thể… đều có lịch qui định về việc ngơi nghỉ. Đó cũng là điều mà Chúa Giê-su muốn cho môn đệ.
Đi sứ vụ trở về các ông đến khoe cùng Chúa Giê-su thành quả mà các ông đạt được. Thành công ấy khiến đám đông tiếp tục háo hức theo đuổi, đeo bám các ngài đến độ Thầy trò không có giờ để ăn uống. Mặc dù nhu cầu truyền giáo là bao la và cấp bách, vấn đề nghỉ ngơi, cần thời gian thinh lặng không thể không có.Việc tìm hồi phục sinh lực phải có chỗ tương xứng trong chương trình sống của con người. Nên Chúa Giê-su đã muốn tách riêng các tông đồ ra khỏi nhịp náo động thường nhật, tách khỏi môi trường đám đông để tìm lại nguồn sinh lực cho các hoạt động tương lai được hiệu quả.
Nhưng rồi đám đông cứ tìm cách bám riết theo thì Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương djay dỗ họ. Dự tính nghỉ ngơi phải tạm hoãn.
Hoãn chứ không bỏ. Vẫn phải có những lúc, dù ngắn ngủi- các tông đồ phải ”Ở RIÊNG” với Chúa Giê-su (Mc 7,17). Đó là những giây phút nghỉ ngơi quí giá Chúa Giê-su tận dụng giúp môn đệ nhận rõ hơn con người, giới hạn của mình, rồi bồi dưỡng thêm (7,18-23).
Vậy cần phải có những thời điểm-dù ngắn- NGHỈ NGƠI TRONG CHÚA, sống thân tình riêng tư với Người trong tư cách là môn đệ. Tín hữu phải xem trọng những giây phút gặp gỡ đích thân này với Chúa. Lễ Chúa Nhật, kinh gia đình, các dịp tĩnh tâm theo mùa Phụng Vụ cần được tận dụng và có vị trí ưu tiên trong chương trình sống của cá nhân, gia đình, cộng đoàn TÍN HỮU.Đó là nguồn sống, sinh lực cho mọi hoạt động của chúng ta.
Sư Huynh Phê rô Nguyễn Đình Long, FSC.