Chúa Nhật XXI B Mùa thường niên là Chúa Nhật cuối trong loạt 5 Chúa Nhật Năm B trích đoạn chương 6 của Tin Mừng Gioan. Chủ đề chính được Lời Chúa hôm nay hướng dẫn là THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ TỪ PHÍA CON NGƯỜI trước những mặc khải, hồng ân mới Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng cho nhân loại.
Thiên Chúa là Đấng Công Chính, luôn trung tín với các dự tính của mình, chắc chắn sẽ hoàn tất tốt đẹp những gì Người đã đoan hứa. Vì thế, Thiên Chúa tìm đủ mọi cách để thể hiện hiệu quả tình yêu của Người đối với các loài thọ tạo Người đã dựng nên, Người quyết làm cho kỳ được, bất chấp mọi thấp hèn, nóng lạnh và phản loạn từ phía con người. Trong Đức Ki-tô, tất cả những gì cần ban tặng, tất cả những gì cần làm vì ơn cứu độ, vì hạnh phúc của nhân loại, Thiên Chúa đã hiến tặng tất cả: mọi ơn lành vật chất lẫn thiêng liêng, THÁNH THỂ của Ngôi Lời Nhập Thể lẫn THÁNH THẦN cũng đã được thông ban cho chúng ta.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc ai. Ân huệ Thiên Chúa chỉ trổ sinh hoa trái tới nơi đã mở lòng đón nhận. Vì vậy THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ của con người, của từng người cho bản thân mình là không ai có thể thay thế mình được. Mỗi thế hệ, mỗi nhóm, mỗi cá nhân phải đích thân đón nhận, đáp trả, làm thành của mình những gì đã được Thiên Chúa thương ban.
Bài đọc 1 trích phần kết của sách Giôsuê. Thiên Chúa đã hoàn tất lời đã hứa với Mô-sê (Xh 3,8; 6,8) Dân đã hoàn toàn làm chủ Đất Hứa. Mỗi chi tộc đã được lãnh phần gia nghiệp của mình (Gs 24,1-2a.15-17) Cái gì Thiên Chúa hứa ban, dân đã cầm chắc trong tay. Trước tình yêu bao la như thế của Thiên Chúa đối với dân, dân đã đáp trả lại như thế nào?
Giôsuê đã tập họp toàn dân lại ở Sikhem, đặc biệt là các kỳ mục, thủ lãnh, thẩm phán, ký lục, rồi mời tất cả nói lên lập trường của mình: chọn luôn phụng thờ Đức Chúa mãi là chạy theo các tà thần dân ngoại? Chúa đã trao tất cả mọi sự cho dân mới để tránh cho họ tình trạng bị ép buộc phải theo. Chúa để cả được phần chia đất đai. Chúa không hề ép buộc, làm áp lực trên dân. Chúa muốn dân có một quyết định hoàn toàn tự do và biệt vị.
Về phần mình, Giô-suê khẳng định lập trường của ông và gia đình ông là nhất quyết đi theo và phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,15b). Trước lập trường vững chắc và quyết liệt của Giô-suê, toàn dân cũng đã đồng thanh nhất trí tuyên xưng đức tin của họ vào Đức Chúa. Họ nhìn nhận những gì Đức Chúa đã làm cho cha ông họ cũng chính là làm cho họ. Vì thế, giờ đây họ đích thân lặp lại Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa. Mỗi người, mỗi thế hệ phải nhận ra rằng ân huệ Chúa làm cho cha ông cũng là làm cho chính mình để rồi đích thân đi vào Giao Ước với Thiên Chúa: ”Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.” (Gs 24, 18b)
Trong Tin Mừng, trước những lời mặc khải quyết liệt, không cần giải thích của Chúa Giê-su- Bánh Trường Sinh chính là THỊT MÁU Người, phải ăn Thịt và uống Máu Người mới có được sự sống đời đời (Ga 6,54-55)- thì phần lớn các môn đệ bị dội, xốc ”Lời này chướng tai quá! Ai nghe nổi?” (Ga 6,60) Họ không tin lời Chúa Giê-su vì họ phán đoán theo cái nhìn phàm tục giới hạn: họ tưởng Người là con bác thợ Giu-se (6,42). Với tầm nhìn sai lạc như thế thì việc mổ xẻ một con người đang sống để chia thịt máu thì đúng là phi lý không chấp nhận được. Tuy nhiên điều mà Chúa Giê-su muốn mang đến cho nhân loại Mọi Thời không là những khối thịt máu người chết mà là NHÂN TÍNH PHỤC SINH của Người gồm Mình Máu, Linh hồn và Thần tính của Người (GLHTCG 137) Do đó Người chỉ mở rộng mặc khải cho thấy cội nguồn thần linh của Người “Nếu anh em thấy Con Người lên nơi Người đã ở trước kia thì sao?? (Ga 6,62) Câu tiên báo trước điều Người sẽ thực hiện trong Bữa Tiệc Ly trên thập giá, qua Phục Sinh và Thăng Thiên. Chính cái thân thể phục sinh là thân thể có THẦN KHÍ (1Cr 15,44) mới ban sự sống đời đời. Mặc khải ấy đã đặt các môn đệ trước một CHỌN LỰA: chọn nhìn theo xác thịt hay chọn nhìn theo Thần Khí? (Ga 6,63). Cuối cùng chỉ còn lại nhóm 11 (Giuda về sau bội phản) đáp lại lời cật vấn chất vấn của Chúa Giê-su (6,67): ”Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời. Chúng con tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”(6,68-69) Đó cũng là Lời Đáp Trả mà Chúa Giê-su đang và hằng mong đợi nơi mỗi người tín hữu chúng ta.
Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC.