Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Ed 33, 7-9; Mt 18, 15-20.
Lời Chúa của Chúa Nhật 23A Mùa Thường Niên đề cập đến một bổn phận BUỘC trong đời sống đức tin Kitô giáo; Nhưng trong thực tế, nhiều tín hữu không quan tâm, thậm chí không hề biết có bổn phận buộc này, vì họ cho rằng hồn ai nấy giữ. Đó là bổn phận phải giúp tha nhân nhận ra sai lỗi của họ đồng thời giúp họ chỉnh sửa. Người Kitô hữu không được phép chỉ lo tìm sống an thân, cố né tránh phạm tội trọng để được lên thiên đàng là đủ rồi, còn tha nhân ra sao thì mặc. KHÔNG! Không được sống như thế! Đối với ai tin vào Chúa Giêsu thì việc sửa lỗi cho anh em là một trách nhiệm buộc của đức ái Kitô giáo.
Lời Chúa còn nhấn mạnh và cảnh cáo rằng số phận của tội nhân cũng sẽ là một yếu tố để phán xét các Kitô hữu sống xung quanh tội nhân ấy, nếu cứ thờ ơ để mặc tội nhân ở lì trong lầm lạc của đương sự. Bởi vì hậu quả của tội là cái chết, chết cả xác lẫn hồn; Mà Chúa thì muốn cứu sống tội nhân. Cho nên những ai đã là môn đệ của Chúa thì phải cộng tác với Người trong việc cứu vớt kẻ lầm lạc. Do đó, việc sửa lỗi cho tha nhân là BỔN PHẬN BUỘC đối với những ai tin vào Thiên Chúa, những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu.
Chúa đã dựng nên con người là cộng đoàn, là “xương thịt” của nhau và cũng là “hình ảnh của chính Chúa” thì việc con người phải liên đới với nhau, giúp nhau vượt các sai lầm, chiến đấu để dần dần trở nên hoàn thiện theo ý Chúa, đó là điều mà tín hữu không được tránh né, nhất là khi Chúa Giêsu đã đến đồng hành, thúc đấy, trợ lực chúng ta.
Bài đọc 1 là lệnh truyền của Thiên Chúa cho Ngôn sứ Êdêkien. Lệnh này là một minh họa rõ nét cho chủ đề phải chỉnh sửa lỗi lầm cho người đồng loại, cho dù kẻ đó là “tên gian ác”. Vì Chúa là Tình Yêu nên Người cũng muốn tên gian ác hoán cải và được cứu.
Bài đọc 1 mở đầu bằng Lời Thiên Chúa nhắc nhở Ngôn sứ Êdêkien rằng chính Chúa đã chọn ông làm “NGƯỜI CANH GÁC” cho nhà Israel, nghĩa là phải luôn tỉnh thức, cảnh cáo cho dân kịp thời không được bê trễ, trốn chạy trách nhiệm kiểu Giôna. Và bổn phận ngôn sứ phải làm là:
Trước nhất là phải nghe lời từ miệng Chúa phán: để chỉnh sửa tha nhân được tốt, điều tiên quyết là LẮNG NGHE Ý CHÚA, vì không phải ta sửa lỗi tha nhân mà là Thiên Chúa chỉnh sửa qua ta.
– Tiếp đến là “thay Chúa báo lại cho chúng biết” cách trung thực.
– Nội dung cụ thể phải công bố trong bài đọc 1 là Thiên Chúa muốn ngôn sứ bảo cho kẻ gian ác biết “chắc chắn hắn phải chết”.
Phần hai của bài đọc 1 là Lời Chúa nghiêm huấn Ngôn sứ: Ngôn sứ buộc phải nói trung thực Lời Chúa cho tên gian ác; bằng không thì hắn sẽ phải chết vì tội, và vì không hoán cải; Nhưng Ngôn sứ cũng bị Chúa “đòi đền nợ máu” cho cái chết của kẻ ác vì sự vô trách nhiệm của ngôn sứ. Còn nếu ngôn sứ làm tròn phận vụ thì sẽ vô can, được Chúa ân thưởng.
Trong Tin Mừng, Matthêu cũng đề cập đến chủ đề phải sửa lỗi cho anh em. Bài 1nhấn mạnh đến trách nhiệm của người được Chúa sai đi; Còn Tin Mừng nhấn mạnh đến cách thức, diễn tiến phải làm khi sửa lỗi cho anh em. Phải tôn trọng tội nhân và sửa sai từng bước một.
– Bước 1: Môn đệ Chúa đích thân tới, đi bước trước gặp tội nhân. Điều Lời Chúa nhấn mạnh là CÁCH ĐỐI XỬ: như anh em, với MỤC ĐÍCH: “chinh phục được một người anh em”. Không ứng xử như một quan tòa đối với tội nhân.
– Bước 2: Nếu bước một thất bại: nại đến một số ít chứng nhân đúng theo tinh thần luật: Chứng của hai người thì có giá trị (Đnl 19,15); vẫn hy vọng giải quyết được vấn đề kín đáo ngang qua lý lẽ, thuyết phục trong tinh thần huynh đệ.
– Bước 3 mới dùng đến kỷ luật: Đưa ra trước Hội Thánh. Hội Thánh ở đây phải hiểu là các đấng lãnh đạo cộng đoàn. Và nếu cũng thất bại thì PHẢI công bố y không còn hiệp thông với cộng đoàn nhằm ngăn chặn điều xấu lây lan gây hại cho những kẻ bé mọn (x. Mt 18,5-11).
– Bước 4 là cầu nguyện, phó thác người ấy cho Thiên Chúa trong đồng lòng nhất trí cầu xin trong tín thác vào Lời Chúa hứa: xin gì Chúa cũng cho. Việc hoán cải một tội nhân vượt tầm tay nhân loại. Đó là công trình của Thánh Linh.
Xin cho mỗi tín hữu xác tín rằng mình phải có trách nhiệm về đời sống đức tin của anh em mình, sửa lỗi nhau hết tình đồng thời phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong tín thác chính Thiên Chúa hoàn thành việc “sửa lỗi cho nhau” nơi, và qua mỗi người Kitô hữu chúng ta.