Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên, Năm A

 

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

Hc 27,30 – 28,7.  Mt 18, 21-35.

Chúa Nhật 24A Thường Niên tiếp tục chủ đề của Chúa Nhật trước 23A: Bổn phận của người tín hữu đối với tha nhân. Tha nhân được đề cập đến ở đây là những người đang ở trong tình trạng sai trái, tội lỗi. Đứng trước một người anh em đang ở trong tình trạng như thế thì người tín hữu phải làm gì? Trong Chúa Nhật 23A, tội đó là một tội nặng có thể đẩy anh em tôi đến chỗ bị coi như là bọn thu thuế, dân ngoại. Vì một nguyên do nào đó mà tôi biết tội của anh em, nhưng tội ấy không xúc phạm gì đến tôi. Bổn phận được nhấn mạnh là giúp anh em sửa sai với tất cả mọi cách thức tôi và cộng đoàn có thể làm được. Tuần này, Chúa Nhật 24A Lời Chúa đề cập đến những trường hợp bản thân của mình bị xúc phạm trực tiếp. Trong trườn hợp này bổn phận của tín hữu là không đươc trả thù, “hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác”(Bài đọc 1), không phải tha 7 lần mà là 70 lần 7 (Tin Mừng). Bổn phận phải tha thứ là lệnh truyền phát xuất từ Thiên Chúa, và là điều kiện để bản thân người tín hữu được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa khi mình có lỗi phạm. Cả hai bài đọc đều nhắc nhở rằng con người là tội nhân trước Thiên Chúa, mọi người đều cần đến sự tha thứ của Người.

Tin Mừng nhấn mạnh: Chúa luôn đi bước trước để thứ tha; nhưng để cho hồng an tha thứ ấy tồn tại và sinh hoa trái cứu độ nơi mình thì con người PHẢI BIẾT THA THỨ CHO NHAU.

Bài đọc 1 trích từ Sách Huấn Ca mở đầu bằng một lời khẳng định: Oán hờn, giận dữ là một điều ghê tởm, là Đặc Sản của phường tội lỗi. Hàm ý mời phải  THA THỨ. Tiếp đo Huấn Ca nêu lên những lý do khuyên con người tha thứ cho nhau:

1/ Tha thứ để được Chúa thứ tha.

Ai cũng là tội nhân trước mặt Chúa; do đó luôn cần được Chúa thứ tha. Vì thế, tha thứ cho kẻ khác được xem như là điều kiện cần thiết để được hưởng hồng an tha thứ của Thiên Chúa đã được dọn sẵn khi ta kêu cầu (28,2). Kèm theo lý do phải tha thứ là một lời ngăm đe: Ai không tha thứ cho tha nhân thì “tội lỗi của người ấy Chúa sẽ xem xét TỪNG LY (28,1). Nếu “cứ để tâm hận thù”, “chẳng biết thương người đồng loại”, “cứ để tâm hận thù” thì làm sao có thể dám trình diện trước nhan Chúa để xin Người tha thứ.

2/ Hãy tha thứ vì ai cũng phải chết.

“Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù.” Một thực tế không ai trốn thoát được: CHẾT, trần truồng về lại cũng trần truồng, để đi vào một cuộc sống mới thần linh vĩnh cửu; vậy mang theo những thứ hư hoại: tranh chấp, hơn thua, hận thù để làm chi.

3/ Phải tha thứ vì đó là LỆNH TRUYỀN CỦA THIÊN CHÚA

” Hãy nhớ đến các điều răn…và Giao Ước của Đấng Tối Cao, mà đừng oán hờn kẻ khác, đừng chấp nhất điều lỗi lầm. Thật vậy Luật dạy chẳng những không được trả thù mà còn phải cố làm điều tốt cho tha nhân (Lv 19, 16-18) Vậy HÃY THA THỨ CHO NHAU.

Tin Mừng tiếp tục bài giảng về Giao Hội Mt 18. Nói về tha thứ, Phêrô hỏi Chúa phải tha đến MẤY LẦN. Ở đây điều quan trọng không phải là THA nhưng là CÁCH THỨC, MỰC ĐỘ THA. Cựu Ước đã dạy PHẢI THA (bài đọc 1). Tân Ước thêm: THA VÔ ĐIỀU KIỆN, THA KHÔNG GIỚI HẠN. Đó là ý nghĩa lời đáp của Chúa Giêsu “Phải tha đến 70 lần 7”. Lý do phải tha là vì mình là tội nhân, con nợ hoàn toàn không có khả năng chi trả, phải chịu án nô lệ vĩnh viễn; nhưng đã ĐƯỢC THIÊN CHÚA THA TRƯỚC, xóa tội nợ cho mình. Đó là lý do DUY NHẤT Chúa dựa vào để đòi kẻ tin phải tha thứ cho kẻ khác. Tín hữu của Chúa phải tha vô điều kiện cho anh em, vì mình đã nhận 10 ngàn yến vàng xóa nợ của Vua (1yến = 6 ngàn ngày công, = 20 năm làm việc)

Chúng ta chỉ có thể thực sự tha thứ vô điều kiên, không giới hạn cho anh em khi ta nhận ra rằng mình đã nhận QUÁ NHIỀU ƠN TỪ THIÊN CHÚA. Đối với chúng ta, Chúa là Đấng tha thứ. Vậy khi chúng ta tha thứ là chúng ta đang BẮT CHƯỚC CHÚA, đang sống ơn gọi làm người theo ý Chúa, là HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA (St 1, 26-27)

Trong Đức Kitô, tha thứ không chỉ là đòi buộc luân lý, mà còn là dấu chứng mình là conThiên Chúa. Hãy sống xứng đáng ơn làm con Chúa, biểu lộ cụ thể: HÃY THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN, KHÔNG GIỚI HẠN”.