Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Ml 1, 14-2,2b.8-10; Mt 23,1-12
Lời Chúa của Chúa Nhật 31A là những lời cảnh cáo Thiên Chúa dành cho hàng lãnh đạo Do Thái về những sai trái mà họ vi phạm trong những trách vụ mà Chúa đã trao cho họ. Và những sai trái của họ kéo theo những suy thoái của toàn thể dân Chúa. Chắc chắn án phạt sẽ giág xuống họ. Tuy nhiên, điều mà Lời Chúa muốn nhấn mạnh hôm nay là BÀI HỌC NÀO được rút ra cho CHÚNG TA từ các gương tiêu cực đó?
Theo thói đời, ai cũng muốn có địa vị, được tôn kính, được trọng vọng; Và lắm khi còn tìm đủ mọi cách để có được những thứ đó. Tuy nhiên, họ quên mất điều này- ngay cả trong cuộc sống bình thường của xã hội- là quyền bính phải đi đôi với trách nhiệm: “Hễ ai đã được cho nhiều, thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều, thì sẽ bị đòi nhiều hơn.”(Lc 12,48) Hơn nữa, trong Nước Trời, đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu thì mọi sự Thiên Chúa trao ban là để phục vụ, chứ không để thống trị tha nhân và tìm tư lợi. (Mt 20, 26-28)
Tiếc thay các thủ lãnh dân Chúa được các bài đọc hôm nay đề cập đến, đặc biệt trong Tin Mừng, đã có những thái độ ngược lại hẳn với đường lối, chỉ thị của Chúa, họ đã lạm dụng quyền bính để vi phạm Giao Ước, lách luật, lừa dân chúng, tich lũy lợi lộc cho mình. Bài đọc Lời Chúa rút ra cho các tín hữu từ gương xấu của hàng thủ lãnh là: Hãy nghe lời giảng của họ, vì họ ngư trên tòa Môsê, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ vì họ nói mà không làm.
Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Malaki đã nặng lời trách cứ hàng tư tế Lêvi của dân Chúa về bổn phận tế tự mà họ phải cử hành nghiêm túc để tôn vinh Chúa. Thay vì phải tôn vinh Chúa qua việc tế tự thì họ đã làm bàn thờ ra ô uế, đã khinh rẻ Danh Chúa khi họ dâng lên Chúa lễ tế là những con vật mù, què, bệnh tật…(Mc 1,8), thậm chí còn dám dâng lên Chúa lễ vật là ” những thứ ăn cướp”(Mc 1,13), dâng lên bàn thờ Chúa những thức ăn đã ô uế. (Mc 1,7). Ấy vậy mà các tư tế vẫn ngoan cố không chịu nhận những sai trái của mình, họ đôi co với Chúa “Chúng con khinh thường danh Chúa ở chỗ nào?”(Ml 1,6) “Chúng con đã làm cho Chúa ra ô uế ở chỗ nào?”(Ml 1,7b). Ngôn sứ Malaki được lệnh Chúa đã nhân danh uy quyền Thiên Chúa tối cao là “ĐỨC VUA CAO CẢ”, là “ĐỨC CHÚA CÁC ĐẠO BINH” để nặng lời cảnh cáo các tư tế: nếu không hoán cải tôn vinh Danh Chúa thì tai họa sẽ ụp xuống trên họ. Chính những hồng ân, phúc lành mà Thiên Chúa ban cho riêng tư tế sẽ trở thành tai họa, án phạt cho họ. Lời ngăm đe của Malaki gợi nhắc lại tội lỗi hai đứa con của tư tế Hêli trong thời các thủ lãnh (x. 1Sm 2, 12-17) và hậu quả khốc hại: Hòm Bia là vinh quang của dân Chúa, của Lêvi lại bị kẻ thù Philitinh chiếm mất.
Vậy hãy lo hoán cải về lại với bổn phận đã được Chúa trao ban.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trước khi mở lời trách các kinh sư, pharisêu, thì Người đã cảnh báo đoàn tín hữu phải sáng suốt biện phân đen trắng cho rõ ràng: “Các kinh sư và các pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; còn các việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” Tiếp ngay sau đó, Chúa Giêsu kể ngay một số lỗi phạm của các kinh sư và pharisêu”
– Tội khoe khoang, giả hình: đeo hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài.
– Tội háo danh, thích địa vị: ham chỗ nhất, thích được gọi là rabi…
– Tội ham thống trị kẻ khác: chất gánh nặng trên vai kẻ khác…
Tuy nhiên, kể tội không phải là điều Chúa Giêsu nhắm tới. Điều Người nhắm tới là bài học cho đoàn môn đệ. Từ các gương xấu của kinh sư, pharisêu, Chúa Giêsu cảnh báo những kẻ tin vào Người coi chừng kẻo rơi vào thái độ vênh vang tự cho mình, hoặc tự phong cho nhau là cha, là thầy kẻ khác. Điều Chúa Giêsu muốn và bài đọc 1 cũng nói đến 1 phần là tất cả tín hữu phải là anh em con cùng một CHA, là môn đệ của cùng một THẦY duy nhất. Tất cả là anh em.
Chính trong tương quan con của một CHA, môn đệ của một THẦY, kẻ tin mới có hy vọng tránh được những lỗi phạm mà Lời Chúa hôm nay trách các thủ lãnh. Hãy làm mọi sự trong tâm tình của người con hiếu thảo của CHA, của người môn đệ trung tín của Đức Kitô.