Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
Kn 6, 12-16; Mt 25,1-13
Nhìn về mặt từ ngữ, ta dễ nhận ra rằng Lời Chúa của Chúa Nhật 32A, đặc biệt trong bài đọc 1 nói trực tiếp đến chủ đề KHÔN NGOAN. Tuy nhiên, thế nào là “khôn ngoan“? thì đây là một vấn đề khá phức tạp: với xã hội đảo điên, lừa dối như xã hội hôm nay thì lắm phen kẻ ranh ma, bọn tráo trở, trâng tráo, giỏi lọc lừa kẻ khác, thì lại được nhiều người khen là khôn (9).
Trong đời sống thường nhật, có một số không ít bậc cha mẹ dạy con nói dối, lọc lừa để được việc trước mắt cho bản thân, bè nhóm của mình bất chấp công bình, đạo lý. Đứa con nào chân chất cứ nói sự thật sẽ bị mắng là “đồ ngu”, “khờ”; Đứa nào ranh mãnh dối trá lại được khen là “khôn lanh”.
Trong vài phút suy tư, chúng ta chỉ giới hạn tầm nhìn vào những gì được Lời Chúa ghi trong 2 bài đọc: một và Tin Mừng.
Bài đọc 1 trình bày đức khôn ngoan không là một đức tính nhân bản mà con người có thể có được nhờ khổ công tập luyện; ở đây KHÔN NGOAN được trình bày như một NGÔI VỊ: ĐỨC KHÔN NGOAN (với chữ Đức là ám chỉ một Đấng hàm ý là một ngôi vị. Từ điển Công Giáo “Đức Khôn Ngoan”); Và Đức Khôn Ngoan cũng được trình bày như một chủ thể sống động có tương quan 2 chiều, liên chủ thể với con người: luôn ở tư thế sẵn sàng để đáp trả lại những nguyện vọng, khát khao của con người: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai kháo khát Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.” (câu 12-13)
Táo bạo hơn nữa, câu 12 dám nói bản chất của Đức Khôn Ngoan là ÁNH SÁNG và là ÁNH SÁNG VĨNH CỬU: “Đức Khôn Ngoan sáng chói và không hề tàn tạ”. Mà trong Kinh Thánh, “Ánh Sáng Vĩnh Cửu” được đồng hóa với chính Thiên Chúa (Kb 3,4; Is 60, 1. 19b. 20b; 1Ga 1,5) Tuy nhiên với quan niệm độc thần thời Cựu Ước, người ta chưa dám đồng hóa Đức Khôn Ngoan với chính Thiên Chúa mà chỉ dám nói “Đức Khôn Ngoan phản chiếu Ánh Sáng Vĩnh Cửu”(Kn 7,29). Mạnh mẽ hơn nữa Cn 8,22-31 trình bày Đức Khôn Ngoan hiện diện cùng với Thiên Chúa trước khi vũ trụ tạo thành và là cộng tác viên của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo vũ trụ.
Bài đọc 1 còn cho thấy rằng không chỉ đáp trả lại những khát vọng của con người, Đức Khôn Ngoan còn đi bước trước đến đón chờ, gặp gỡ con người trên mọi nẻo đường nhân sinh: Đức Khôn Ngoan “ngồi ngay trước cửa nhà” những ai tìm kiếm nên họ không phải vất vả, lo âu đi tìm gặp Đức Khôn Ngoan; “Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm trên các nẻo đường họ đi” nên họ chỉ vừa suy nghĩ tới là gặp ngay được Đức Khôn Ngoan.
Tất cả những trình bày trên là để chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn trong Tân Ước: Chúa Giêsu chính là Đức Khôn Ngoan đích thực của Thiên Chúa (1 Cr 1, 24-30; Cl 2,3). Thật vậy, với mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện diện giữa ta mọi ngày cho đến tận thế trong tư cách là Thiên Chúa, sẵn sàng gặp gỡ, đáp trả mọi khát vọng cứu độ của chúng ta.
Tin Mừng là một trong loạt các dụ ngôn được Chúa Giêsu dùng minh họa cho các môn đệ ý thức thế nào là tỉnh thức hầu luôn ở trong tình trạng chủ động cho dù ngày Quang Lâm có đến bất ngờ. Tin Mừng 32A thuật lại dụ ngôn 10 trinh nữ đi đón chàng rể vào ban đêm. Tất cả đều chuẩn bị dầu đèn đầy đủ. Tuy nhiên có 5 cô lại cẩn thận mang thêm chai dầu dự phòng và được Tin Mừng gọi là 5 cô KHÔN. Nếu chàng rể đến đúng giờ thì chắc là 5 cô này có thể được coi là vô duyên, rỗi hơi. Thế nhưng chàng rể đến muộn, 10 cô đều ngủ. Đèn vẫn cháy sáng. Và rồi khi chàng rể đến, các cô tỉnh giấc, ĐÈN TẮT, HẾT DẦU. 5 cô khôn, dầu có sẵn tiếp tục đón chàng rể; 5 cô dại bị loại ra ngoài.
Như vậy, KHÔN là biết chuẩn bị từ xa, không có lối sống đối phó, đợi “nước tới chân mới nhảy”. Nét phân biệt KHÔN/DẠI là bình dầu dự phòng; bình dầu này phải được chuẩn bị từ xa, trước khi đi đón chàng rể. Cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trong hiện tại chính là thời điểm ta tích lũy bình dầu dự phòng. Nếu ta sống được như thế thì dù chàng rể đến lúc nào thì ta cũng đã ở trong tư thế sẵn sàng để thắp sáng ngọn đèn của mình và cung nghinh chàng rể.