Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
+ 2Mcb7, 1.20-23.27b-29; Lc 9, 23-26
Ngày 24/11 hằng năm, Giáo Hội hoàn vũ chung vui cùng Giáo Hội Việt Nam mừng NHỚ Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Riêng tại Giáo Hội Việt Nam, 24/11 là LỄ TRỌNG, vì là Bổn Mạng của Giáo Hội Việt Nam. Rồi vì ích lợi mục vụ cho giáo dân Việt trong hoàn cảnh xã hội mới sau năm 1975, nên Hội đồng Giám Mục Việt Nam vào khóa họp 4/1991 đã quyết định KÍNH TRỌNG THỂ Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và dời ngày mừng vào Chúa Nhật 33 hằng năm Mùa thường niên.
Về phần Phụng vụ Lời Chúa. “Sách bài đọc trong Thánh Lễ”, xuất bản năm 1998 và tái bản năm 2003 có đưa ra một số bài đọc để tùy nghi chọn lựa:
– 2 bài đọc1: Mcb 7,1.20-23.27b-29; hoặc Kn 3,1-9
– 2 bài đọc 2: Rm 8, 31b-39; hoặc Kh 7,9-17
– 2 bài đọc Tin Mừng: Lc 9,23-26; hoặc Ga 17,11b-19
Phần chia sẻ Lời Chúa hôm nay dựa trên hai bài: Mcb 7 và Lc 9.
Các Thánh Tử Đạo là những người trung kiên đến cùng và tuyệt đối với vị Thiên Chúa mà mình kính yêu, biết ơn, tôn thờ; trung thành với tôn giáo mà mình đã tin theo; giữ vững giáo lý mà họ đã lãnh nhận. Họ thà chịu cực hình, khổ đau, kể cả hy sinh mạng sống để bảo vệ, làm chứng và sống hết mình cho niềm tin của mình. Vì thế, khi nói đến TỬ ĐẠO là ta thường nghĩ ngay đến đức can đảm, trung kiên, ĐỨC TIN. Thực ra các Thánh Tử Đạo phải là những người sống trọn tương quan TIN-CẬY-MẾN. Thật vậy:
Người tử đạo phải là con người ĐỨC TIN: như trên đã mô tả, người tử đạo phải gắn bó với Thiên Chúa, trung thành với Giáo Hội và kiên quyết can đảm công khai tuyên xưng đức tin.
– Con người ĐỨC ÁI: nghĩa là người tử đạo không được mang tâm trạng hận thù, nguyền rủa…những kẻ đã bách hại mình; Nhưng phải theo gương Thầy Giêsu, theo gương vị Tử Đạo Tiên Khởi Stêphanô: Tha thứ, cầu nguyện cho kẻ bách hại mình (x. Lc 23,34; Cv 7,60)
– Con người ĐỨC CẬY: Người tử đạo phải trông cậy vào Chúa, tín thác vào lời Chúa Giêsu: xem cái chết của mình như “hạt lúa gieo vào lòng đất” chắc chắn sẽ sinh nhiều bông hạt.
Vậy vấn đề không chỉ là CHẾT NHƯ CHÚA KITÔ với tâm tình TIN YÊU PHÓ THÁC cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thực sự đã sống trọn tinh thần TIN- CẬY- MẾN đó. Chúng ta có thể xem vài chứng từ tiêu biểu:
+ Về Đức Tin: Thánh Anrê Thông nói “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”. Còn Thánh Têphanô Ven xác tín “Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua”.
+ Về Đức Ái: Thánh Emmanuel Phụng trước khi bị xử chém đã trối lại cùng con trai “Con ơi hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố cáo cha”.
+ Về Đức Cậy: Đối với các tử đạo, chết không phải là hết hoặc chỉ là yên thân cho phần rỗi của mình, nhưng là còn bước vào cuộc sống mới, đem lại ơn cứu độ cho kẻ khác. Thật vậy, Thánh Giuse Lê Đăng Thị, ngay trong tù đã TRUYỀN GIÁO, lôi cuốn được một tử tù ngoại đạo bị giam chung với ngài tin vào Chúa Giêsu và ngay ngày bị tử hình, ngài đã rửa tội cho anh ta, rồi cả hai đấng cùng nắm chắc tay nhau bước vào quê vĩnh phúc. Trong đức tin, các tử đạo không đi tìm cái chết, nhưng sẽ rất vui mừng nếu bị kết án tử vì đạo (Thánh Inhaxiô Y Giám mục) và với đức ái và đức cậy, các ngài không ngần ngại loan báo tin mừng tử đạo cho kẻ khác.
Lời Chúa của đại lễ hôm nay cũng không nhấn mạnh đến các cực hình, tới sự can đảm đón nhận cái chết; Nhưng nhấn mạnh tới TÌNH YÊU, ĐỨC CẬY, tấm lòng của các tử đạo đối với Thiên Chúa, đối với Đức Kitô, với niềm tin của mình.
Bài đọc 1 không mô tả cái chết, những đau khổ của các tử đạo, nhưng đề cao tấm lòng của BÀ MẸ CỦA CÁC VỊ TỬ ĐẠO thời Macabê. Bà can đảm chứng kiến cái chết của 7 đứa con, đồng thời khuyên 7 con hãy trông cậy vào Thiên Chúa: “Chính Ngài do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống.” Bà kêu gọi Tình Yêu của các con: “Con ơi, hãy thương mẹ… mà chấp nhận cái chết…”
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy chọn lựa vác thập giá theo Người. Sự mất mát trước mắt sẽ đưa các môn đệ tới vinh quang vĩnh cửu mai sau khi Chúa Giêsu quang lâm ngự tới.
Chính khi sống ba nhân đức TIN-CẬY-MẾN mà các tín hữu mọi thời có thể tử đạo không đổ máu, giống như Mẹ Maria, không đổ máu vẫn là Nữ Vương các thánh tử vì đạo. Tri ân các tiền nhân tử đạo, chúng ta tiếp tục công cuộc của các ngài bằng đời sống mẫu mực của người Kitô hữu, mỗi ngay vác thập giá theo chân Chúa Kitô.