Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC
– Is 55,1-11; Mc 1,7-11
Theo lệ thường của lịch phụng vụ thì lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa phải được cử hành vào Chúa Nhật ngay sau lễ Hiển Linh. Tuy nhiên, năm nào mà Lễ Hiển Linh cử hành vào sau ngày 6/1 thì lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa phải được dời vào thứ hai sau Chúa Nhật Hiển Linh. Đó là lý do tại sao năm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa lại cử hành vào thứ hai 8/01.
Trong truyền thống phụng vụ của Hội Thánh, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan lúc khởi đầu sứ vụ công khai, là một trong ba biến cố Kinh Thánh được phụng vụ sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, tỏ mình ra cho nhân loại. Đối tượng đặc biệt mà biến cố hôm nay nhắm tới là TUYỂN DÂN ISRAEL, nhất là những con người đang thành tâm khao khát chờ đón Đấng Mêsia: họ thật lòng sám hối, nhận ra phận hèn tội lỗi của mình, đến cùng Gioan, đón nhận phép rửa tỏ lòng hoán cải trong niềm hy vọng được Chúa xót thương xóa bỏ lỗi lầm, chuẩn bị đón Đấng Cứu Tinh. Sám hối nhận ra tội lỗi của mình là yếu tố tiên quyết từ phía con người để có thể lãnh nhận được hồng an tha thứ của Chúa, để ơn Chúa sinh hoa kết trái trong tâm hồn chúng ta (x. Mt3,2; 4,7; Mc 6,12)
Lời Chúa năm B đề cập đến chủ đề HỒNG ÂN THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA, được tuôn đổ công khai xuống nhân loại khi con người chân tâm nhìn nhận lỗi lầm.
Trong bài đọc 1, hồng ân tha thứ của Thiên Chúa được ngôn sứ Isaia diễn đạt ra bằng sấm ngôn mời gọi dân Chúa hãy đến hưởng dùng lương thực dồi dào do Chúa thiết đãi hoàn toàn miễn phí. Ăn uống các thứ cao lương mỹ vị mà không phải trả đồng nào. Cứ tự do mà đến hưởng dùng thỏa thích. Điều kiện duy nhất để được hưởng bữa tiệc thịnh soạn đó là TIN VÀO TÌNH YÊU CHO KHÔNG CỦA THIÊN CHÚA, cụ thể là LẮNG NGHE và TIN VÀO LỜI CHÚA rồi đến cùng Chúa.
Hình ảnh thứ hai để diễn tả hồng ân tha thứ của Chúa là Chúa sẽ thiết lập với dân một giao ước vĩnh cửu để trọn bề nhân nghĩa với nhà Đavít; Chúa hứa sẽ làm cho chư dân thần phục nhà Dâvít, qui tụ chư dân cho danh Đavít được vinh hiển.
Phần tiếp theo của bài đọc 1 là lời Thiên Chúa mời gọi dân phải có thái độ đáp trả tương xứng để hồng an tha thứ của Chúa sinh hoa trái nơi ta.:
– Phải tận dụng thời gian Chúa còn cho gặp để tìm kiếm kêu cầu Chúa (6)
– Phải bỏ đường gian ác, tư tưởng lệch lạc để trở về cùng Thiên Chúa (7)
– Bởi vì Chúa rộng lượng thứ tha và đường lối Chúa, tư tưởng Chúa vượt xa con người (cc 7c. 8-9)
Và bài 1 kết thúc bằng một dụ ngôn xác quyết rằng chắc chắn lời Chúa phán quyết sẽ sinh hoa kết trái.
Qua bài Tin Mừng, việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân được thể hiện qua hai phương thức:
-
Lời rao giản của Gioan tập trung vào con người của Chúa Giêsu bằng cách ông so sánh con người với sứ mạng của ông với con người và sứ mạng của Chúa Giêsu: ông không đáng cúi xuống cởi dây dép cho Người; ông làm phép rửa nhờ nước, nhưng còn Chúa Giêsu làm phép rửa trong Thánh Thần..
-
Chứng từ của Thiên Chúa xác nhận lời rao giảng của Gioan: Chúa Giêsu quả thật là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Thật vậy, phần này thuật lại việc Chúa Giêsu đến với Gioan và chịu phép rửa. Ngay lúc Chúa Giêsu vừa đảm nhận trách nhiệm của một phàm nhân đầy tội lỗi, chịu phép rửa và vừa ra khỏi nước thì ngay lúc đó Người đã được Thiên Chúa bày tỏ vinh quang Thần Linh khi “Thần Khí Chúa tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người.” Các hình ảnh trên gợi lại công trình sáng tạo (x. St 1,2b). vậy Chúa Giêsu được trình bày như trưởng tử của công cuộc tạo thành mới: Nhận mình như tội nhân, rồi “ra khỏi nước” hàm ý nhân loại mới đã được thứ tha, được đổi mới; với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là khởi đầu một cuộc tạo thành mới. Và còn hơn thể nữa, tiếng Cha từ trời còn xác nhận Người là Con nghĩa là trong Đức Giêsu, nhân loại mới, nhân loại đã hồi phục được nâng lên hàng con Thiên Chúa.
Tội nhân Ađam đã chối tội, khước từ trách nhiệm đưa nhân loại tới hư vong; Con Thiên Chúa làm người đảm nhận trách nhiệm gánh tội trần gian đã hồi phục và còn nâng nhân loại lên hàng con Thiên Chúa. Vậy hãy sám hối và kết hợp với Chúa Giêsu để ta được thứ tha và vinh quang thần linh tỏ trên phận hèn nhân loại.