Thứ Năm Mùa Thường Niên – Mùng 3 Tết Kỷ Hợi
(Dt 12, 18-19. 21-24; Mc 6, 7-13)
Có người nghĩ rằng công việc là do bàn tay lao động của mình. Trí óc là do khả năng tích lũy của mình. Đất đai tự nó tốt, tự nó có mầu có mỡ. Không, Giáo Hội là người Mẹ hiền luôn nhìn thấy những gì do mình, điều gì do Chúa. Chính vì vậy, giữa bôn ba của cuộc đời, giữa những ngày vui chơi ăn tết, con người vì vẻ bề ngoài, vì lao mình vào các thú vui, vì say xưa chè chén, họ sao nhãng việc thiêng liêng, quên đi ” Làm bởi bay, ban bởi Ta “. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày mồng ba tết để xin Chúa thánh hóa ruộng vườn, mùa màng, cây cối và xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Thánh Phaolô đã viết một câu mạnh mẽ nhưng hoàn toàn hợp lý:” Không làm việc thì đừng ăn “, na ná như câu:” Đừng nằm chờ sung rụng “…
Để được Chúa thánh hóa công ăn việc làm, con người phải biết tùy theo khả năng siêng năng, lanh lẹ làm cho của cải sinh hoa kết quả tốt. Con người phải hiểu rằng Chúa đến trong thế giới, nhận một gia đình để được sinh ra và để sống là vì Chúa đem lại cho lao động, cho cuộc sống một giá trị, một ý nghĩa hoàn toàn mới. Chúa nâng đời sống lao động và thánh hoá đời sống lao động, Chúa làm gương về đời sống phục vụ, mỗi giọt mồ hôi, mỗi sự mệt mỏi trong lao động của Chúa Giêsu đều mặc một giá trị cứu rỗi.Con người luôn phải ý thức lời Kinh Thánh viết, hướng dẫn và chỉ bảo:” Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt, còn vun còn trồng; bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên” hoặc: ” bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 64, 2).
Mọi sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất.
Lao động là hoạt động đặc thù của con người, giúp con người tạo ra của cải vật chất và tinh thần, góp phần phát triển khoa học, văn hóa và đạo đức. Vì vậy, lao động mang một ý nghĩa lớn đối với đời sống con người.
Chính Chúa Giêsu là một người lao động. Ngài làm nghề thợ mộc tại làng Nazareth, một nghề tầm thường trong xã hội bấy giờ, để dễ dàng gần gũi với người lao động nghèo. Tin Mừng của Ngài là “Tin Mừng của lao động”, vì người rao giảng Tin Mừng ấy chính là một người lao động. ngài thuộc về thế giới lao động, ưa chuộng lao động, tôn trọng sự lao động của con người. Trong lời giảng của Ngài ta thấy toát lên chân lý căn bản về vấn đề lao động, một chân lý đã được diễn tả trong tất cả truyền thống, ngay từ sách sáng thế.
Thiên Chúa là chủ tể mọi loài mọi vật, con chúng ta là những tôi tớ của Ngài. Ngài trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc là: đức tin, sức khỏe, tài năng, cơ hội, nghị lực, tiền của, ân nhân, nền giáo dục… Mỗi người được trao những nén bạc khác nhau, kẻ nhiều người ít, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta phải cố gắng hết mình để sinh lời tùy theo cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người. Chúng ta sử dụng tài năng, sức khỏe, tiền của, cơ hội Chúa ban để làm việc và tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội hầu làm vinh danh Chúa và mang lại lợi ích cho tha nhân.
Chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “giống hình ảnh Ngài” (St 1, 26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1, 26).
Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại:”cộng tác vào việc sáng tạo” của Thiên Chúa. Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.
Gương mẫu và giáo huấn của Chúa Giêsu đã ảnh hưởng tới các môn đệ theo Ngài, đặc biệt là thánh Phaolô. Thánh nhân không ngừng nêu gương và khuyên nhủ các tín hữu về giá trị của lao động. Khi ngỏ lới các kỳ mục ở Êphêsô, thánh Phaolô nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 34-35). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân khẳng định: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em”(2Tx 3, 8) hay ngài chỉ thị “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx 3,10).
Tất cả chúng ta là những người lao động. Hằng ngày chúng ta vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên đồng ruộng, vất vả trong các nhà máy, miệt mài với những trang sách, tất bật ngược xuôi ngoài chợ. Đó là vinh dự cũng là một trách nhiệm Thiên Chúa trao cho chúng ta để cộng tác với Ngài trong việc xây dựng thế giới này.
Năm mới này, chúng ta phải quyết tâm bắt chước người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn, cố gắng làm việc tốt để sinh lời từ “nén bạc” Chúa trao. Muốn vậy, chúng ta phải sử dụng những ơn riêng như lời khuyên của thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 4,10-11).
Đồng thời chúng ta cũng quyết tâm xóa bỏ tư tưởng biếng nhác, nghi ngờ của người đầy tớ thứ ba để luôn làm việc theo tinh thần Tin Mừng. “Bất cứ làm việc gì, chúng ta làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời, vì biết rằng chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người “. (x.Cl 3,23-24)
Chúa đã thánh hóa công ăn việc làm do tự lòng tin của chúng ta. Đọc Kinh Tiền Tụng chúng ta nhận ra rằng:” Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Chúa còn sai Con một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện công trình cứu độ muôn dân “. Chúa đã lao động để làm gương cho nhân loại, cho con người. Chúa giúp con người làm việc làm ra cơm áo và hơn nữa để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế.
Với người môn đệ Chúa lao động trí óc hay chân tay đều do quyền Chúa. Ngài có chúc lành, có ban ơn thì công việc mới tốt lành được. Chúa Giêsu cũng đã làm việc và làm việc không ngừng. Ngài đã làm việc để nêu gương cho nhân loại và để mang lại cho lao động ý nghĩa cao cả. Lao động đối với Ngài là lời tạ ơn, là cầu nguyện, là cứu độ, là nâng cao phẩm giá con người. Thánh Phaolô đã viết một câu thật chí lý:” Không làm thì đừng có ăn “.
Không dừng lại ở đó việc làm và làm việc còn là cách thế để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến biết ơn và sự tín trung của chúng ta với Chúa, và còn là để có điều kiện chúng ta thực thi đức bác ái. Thánh Phaolô còn nhắc cho chúng ta một thái độ làm việc khác quan trọng hơn là làm ăn tìm kiếm của cải vật chất để giúp tự mình nuôi sống bản thân, làm tăng phẩm giá con người và còn là để chia sẻ giúp đỡ những người thiếu thốn vì: Cho thì có phúc hơn là nhận. Mỗi người đã nhận lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải biết rộng mở đôi tay để cho đi và chia sẻ.
Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.
Tất cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người. Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.
Hôm nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm, chúng ta hướng về Cha trên trời, là Đấng làm chủ mọi loài, là Đấng quan phòng kỳ diệu, xin Chúa chúc lành cho chúng ta một năm bình an hạnh phúc, một năm an khang thịnh vượng. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm “mưa thuận gió hòa”, mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
Huệ Minh