Trường của người già
Bài của Đức Cha Bùi Tuần đã đăng trong báo CGDT
Nhân ngày giỗ chị Maria Mattina Bích Sa.
Đây là bài báo khi còn sống chị rất thích.
Tháng 9 là tháng khai trường. Đủ thứ trường dành cho mọi lứa tuổi. Còn tuổi già thì không có trường.
Nhưng, chính tuổi già đã là một loại trường. Trường này đến với mọi người già yếu. Trường đến với người, chứ người không đi đến trường. Vì thế, trường này bao trùm không gian khắp nước. Với tuổi gần 80, tôi thuộc trường này đã khá lâu. Hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài bài học, mà tôi tiếp thu được từ trường đặc biệt này.
Những bài học mà tuổi già dạy tôi đã không viết bằng chữ, nhưng ngấm vào tâm hồn tôi thành những cảm nghiệm. Tôi nghĩ người già nào nhiều ít cũng vậy. Xin nêu lên vài thí dụ.
1. Cảm nghiệm nơi chính mình về sự chuyển biến những giới hạn.
Ở tuổi nào, người ta cũng nhận thấy con người mình có nhiều giới hạn. Nhưng về già, người ta càng thấy rõ sự thật đó. Thấy rõ không phải chỉ bằng lý thuyết, nhưng nhất là bằng cảm nghiệm nơi bản thân mình.
Thí dụ trong lãnh vực sức khỏe, người già cảm thấy các giới hạn càng ngày càng nhiều và càng hẹp lại. Như thể mình trở về tuổi thơ. Nhưng khác một điều : Trẻ nhỏ luôn vượt giới hạn để vươn lên. Còn tuổi già thì luôn trượt giới hạn để rớt xuống. Đến một giới hạn đáng thương là tự mình không còn tự lo cho mình được, kể cả những việc cá nhân cần thiết.
Hiện tượng biến chuyển các giới hạn cũng xảy ra nơi người già trong nhiều lãnh vực khác, như lãnh vực tinh thần, thí dụ tinh thần cầu nguyện. Ở đây biến chuyển giới hạn không luôn luôn đồng nghĩa với suy tàn, mà là thay đổi. Giới hạn hướng ngoại sẽ hẹp lại, còn giới hạn đi vào nội tâm sẽ rộng hơn, sâu hơn. Nhờ vậy, người già thường dễ phân biệt cái gì là phù du, là ảo và cái gì là giá trị thực.
Hiện tượng thay đổi giới hạn xuất hiện khá rõ trong lãnh vực tình cảm. Tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm, người ta thường thích thưởng thức trong nội tâm những hương vị nhẹ nhàng của tình nghĩa đơn sơ, yêu thương chân thành và hiếu thảo vị tha. Đôi khi sợ những thứ quan hệ nặng nề hình thức lễ nghi, xã giao ồn ào. Rất nhạy bén trước thái độ tế nhị của xã hội đối với người già. Họ nhận thức sâu xa thân phận của mình mang nhiều giới hạn mong mọi người thông cảm.
2. Cảm nghiệm nơi xã hội về sự phân hoá càng ngày càng tăng
Những người già hôm nay là những người đã đồng hành với lịch sử Đất Nước. Lịch sử khá dài, nhiều gian truân đầy kỷ niệm phấn đấu. Trong những chặng đường đó, người ta không có nhiều lựa chọn. Lựa chọn căn bản và phổ quát nhất là được sống ấm no trong trật tự kỷ cương.
Còn hiện nay, bầu khí xã hội là hưởng thụ, tự do.
Một bầu khí như thế sẽ tạo ra các thứ nhu cầu, các loại hạnh phúc. Có nhu cầu đúng và có nhu cầu giả. Có hạnh phúc tốt và có hạnh phúc xấu. Nhu cầu nọ đẻ ra nhu cầu kia. Hạnh phúc này đòi thêm hạnh phúc khác. Các thứ nhu cầu và các thứ hạnh phúc thực và giả đó đua nhau mời gọi người ta từ trước mắt cho đến trong trí nhớ, trí vẽ. Mời gọi với đủ mọi hình thức hấp dẫn tinh vi.
Sống với bầu khí xã hội như thế, nếu con người ta không sáng suốt và can đảm để có những lựa chọn đúng, tìm những hạnh phúc thực, thì sẽ sinh ra thứ phân hóa đau lòng. Một gia đình chỉ gồm 4 người, mà mỗi người đều có những chọn lựa khác nhau, thì đã có cảnh phân hóa rồi. Phương chi một cộng đoàn, một miền, một nước.
Nếu bầu khí xã hội lại biến thành cạnh tranh không lành mạnh, thì sự phân hóa sẽ rất nguy hiểm. Cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh bằng những phương tiện xấu, và do động lực xấu. Những phương tiện xấu như thi đua tố cáo nhau, gièm pha bôi xấu nhau. Động lực xấu như do ghen tương, trả thù, tư lợi, hạ người xuống để mình được lên.
3. Cảm nghiệm nơi thế giới về khả năng xảy ra nhiều tai họa, nếu nhân loại tiếp tục đi sâu vào đàng tội
Người già, qua nhiều kinh nghiệm về lịch sử đạo đời, thường dễ cảm nghiệm thấy ý nghĩa của những dấu chỉ thời sự. Những cảm nghiệm như thế có nghĩa như một sự báo động, mà ơn trên ban cho họ.
Họ linh cảm sự giao tranh giữa thiện ác sẽ rất khốc liệt. Nhưng đến một lúc nào đó, khi sự vô luân quá tung hoành, thắng thế, thì họ linh cảm hậu quả ghê gớm sẽ phải xảy ra, như một cảnh báo dọn đường cho một trật tự mới.
Những linh cảm như thế có thể coi như một thứ cảm nghiệm kết tinh từ những kinh nghiệm lâu dài, mà họ đã trải qua trên con đường lịch sử pha trộn ánh sáng và bóng tối, nụ cười và nước mắt, bình an và đau khổ, thành công và thất bại.
4. Cảm nghiệm nơi đời sống cộng đoàn về nguy cơ tự hủy
Cộng đoàn nói đây được hiểu về mọi thứ đời sống đoàn thể, như gia đình, hiệp hội, đảng phái, giáo đoàn.
Những cộng đoàn này, cho dù mạnh tới đâu, vẫn có thể bị phá hủy. Yếu tố phá hủy có thể là từ ngoài, và cũng có thể là từ trong chính nội bộ.
Trường hợp tự hủy không phải là hiếm. Tự hủy do đâu ? Theo cảm nghiệm người già, thì yếu tố mạnh nhất đưa một cộng đồng đến tự hủy là vô cảm và không còn tin nhau.
Ai đau khổ mặc ai. Ai túng nghèo cũng kệ. Sống dửng dưng, vô cảm là thái độ sống ích kỷ, giết chết lương tâm.
Mỗi người chỉ sống cho mình, chỉ tin vào mình. Nghi nhau, sợ nhau, xa tránh nhau. Bè phái. Mất niềm tin vào nhau là tự khóa cửa lòng. Có thể lỗi do mình, mà cũng do bao người khác.
Những nếp sống vô cảm và mất niềm tin như thế sớm muộn sẽ phá đổ cộng đoàn.
Trên đây là vài cảm nghiệm mà trường “tuổi già” đã in vào bản thân tôi. Tất nhiên cảm nghiệm thì có giá trị chủ quan và tương đối, mang tính thời sự đôi chút.
Thiết tưởng đây cũng là một mảnh đời gởi lại những người đi sau.
Càng về cuối đời, tôi càng cảm thấy rõ : Mình chẳng là gì, mình chẳng đáng gì. Nếu có gì tốt, thì đều do Chúa ban, như lời thánh Phaolô viết : “Con có gì mà con đã không nhận lãnh” (1 Cr 4,7).
Trên đường về Nhà Cha, tôi cũng như nhiều vị già yếu khác, luôn xin được ơn tái sinh trong tình thương xót Chúa và trong tình liên đới nâng đỡ thứ tha của Hội Thánh và của mọi người.