●Francis Assisi Lê Đình Bảng
Giáng Sinh là mùa của âm nhạc, của thánh ca, một dòng nhạc rất thánh, rất thiêng, rất riêng biệt của Công giáo. Có thể nói, gần như, ai cũng thuộc nằm lòng một số lớn bài thánh ca, để làm kinh nhật tụng và để thay cả cho những lời muốn nói trong giao tiếp đời thường. Đến nỗi, hễ nói đến thánh ca, là y như rằng đã chạm đến ngôi đền thiêng, đã hé mở được cánh cửa bước vào cõi thâm nghiêm “tàng kinh các” của Công giáo. Bởi đấy là vườn địa đàng, là đất hứa của chiêm niệm và nguyện cầu. Vừa là lịch sử, lại vừa là nghệ thuật. Mà lịch sử và nghệ thuật ấy, đã hình hành từ rất lâu, từ bao nhiêu thiên niên kỷ trước, với cả một tầng bậc di sản âm nhạc bằng cổ ngữ La Tinh: Puer Natus Est, Gloria in excelsis Deo, Adeste Fideles, Rorate coeli, Ave Maria, Alleluia… hoặc những trích đoạn từ nguồn Thánh Vịnh, hoặc Ca Nguyện được tích luỹ và du nhập từ phương Tây, như Cantiones, Hymni, Cantus Liturgici, Cantus in Cantu Gregoriano, Emmanuel, Praetorius… Paroissien Romain, Cantique Des Cantiques, Cantique De La Jeunesse…
Qua dòng thời gian, chủ đề Chúa Giáng Sinh đã được cảm hứng và tuần tự phát triển sâu rộng thành “một trong những dòng nhạc chủ lực và bất tận của châu Âu” và từ châu Âu, lan toả ra khắp thế giới, như ta thấy ngày nay. Tiến trình ấy chứng tỏ rằng, mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi truyền thống văn hoá, dù Đông hay Tây đều sở hữu một gia tài phong phú, đa dạng về thánh ca Giáng Sinh bằng chính ngôn ngữ và phong tục tập quán riêng của mình. Rõ rệt hơn cả, là dòng nhạc Giáng Sinh của các nước Âu Mỹ, như Đức – Áo, Anh – Mỹ và Tây Ban Nha. Hỏi, ai còn xa lạ gì với những bài, như: “IL est né le divin Enfant”, “Les Anges dans nos campagnes”… “Stille Nacht”, “Silent Night Holy night”, “The First Noel”, “Feliz Navidad”… Thậm chí, có nhiều bản thánh ca Giáng Sinh đạt số tuổi hằng trăm năm, hoặc hơn thế. Vẫn cứ tươi mới, vẫn cứ mãi thánh thiêng. Đơn giản thôi, vì mỗi năm đến mùa Giáng Sinh, chẳng hẹn mà hò, đâu đâu cũng thấy cất lên, vang rền nền nảy thứ giai điệu và ngôn ngữ thánh ca cầu nguyện riêng biệt của các nhà thờ Công giáo. Không thể lẫn vào đâu được. Bởi hát không chỉ là hát, theo nghĩa thường tình. Mà “hát là cầu nguyện hai lần”, một trong những “tính chất căn cốt, để diễn tả đức tin và lòng đạo trong đời sống phụng tự” của người Công giáo. Đấy là chưa kể, hằng hà sa số những tình khúc mang màu sắc, hơi hướm của Giáng Sinh, từ Giáng Sinh, đã để lại dấu ấn khó quên. Bởi thế, mới tràn lan những O Holy Night, Jingle Bells, We With You A Merry Christmas, Joy To The World, Drummer Boys, Last Christmas… và những Giáo Đường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ; Mùa Sao Sáng, Đêm Thánh Huy Hoàng của Nguyễn Văn Đông; Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của Phạm Duy – Nhất Tuấn; Chiều Bên Giáo Đường của Lê Trọng Nguyễn; Hai Mùa Noel của Đài Phương Trang; Lá Thư Trần Thế của Hoài Linh; Trời Chưa Muốn Sáng của Trần Thiện Thanh; Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ…
Riêng trường hợp thánh ca Giáng Sinh của Công giáo Việt Nam, tuy lịch sử còn non trẻ, chỉ vài trăm năm nay, nếu tính từ “… năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời vua Lê Trang Tôn, khi giáo sĩ I nê khu đến làng Trà Lũ, Nam Định…” theo ghi ký của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 33, phần chính biên, tờ 5-6, được soạn thảo năm 1856 dưới triều vua Tự Đức. Nhưng, chỉ ngần ấy thời gian, đã sớm có những bài hát Giáng Sinh tầm cỡ ngay từ thập niên đầu (1910-1911) của thế kỷ trước. Chẳng hạn, “Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời” của Phaolô Đoàn Quang Đạt (1877 – 1956) được giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá là bài thánh ca tiên phong và mang đậm âm hưởng dân ca miền Đông Nam bộ (Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một). Ta còn đọc thấy rõ mồn một, trong ấy là một thế giới chữ nghĩa đầy ắp hình tượng đặc sệt miền quê kiểng của xứ sở nhà vườn cây trái nương rẫy, có ngọn nguồn từ nguyên bản quốc ngữ cổ của một bài kinh trong sách Mục Lục Nhựt Khoá, được in ấn từ năm 1865 tận bên Xiêm quốc: mầng<mừng; bơ thờ<bơ phờ; dưng<dâng; kiểng < cảnh…..
“Nửa đêm mầng Chúa ra đời
Bức khăn sạch vốn để nơi hang lừa
Cỏ rơm trải lót bơ thờ
Mượn ấm bò lừa thở ấm,dưng hơi
Kiểng tinh soi sáng nơi nơi…”
Và ngạc nhiên chưa, ở cùng một thời điểm xuất phát năm 1945 – trong hoàn cảnh khách quan khác nhau – lại cùng xuất hiện hai bài thánh ca Giáng Sinh. Mỗi bài một vẻ. Một bài rộn rã, hân hoan sôi nổi và một bài thì du dương, thánh thót, êm đềm. Nhưng cả hai, ngay từ thuở ban đầu ấy, đã sớm đi vào lòng người, nghe mãi không quên. Phải chăng, cả hai đã chạm đến tần số mòn mỏi, đợi chờ của người tín hữu Việt Nam? Sự thật là, họ đã phải trải qua một “thời đoạn” còn vướng víu, khó khăn về mặt ngôn ngữ chưa đồng thuận trong cách thể hiện phụng thờ. Vâng, đã có một thuở – một thời:
“Các thầy đọc tiếng La Tinh
Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”.
Nói như nhạc sĩ Phạm Duy thì mỗi bài ca đều bắt đầu từ một một câu chuyện, có một xuất xứ, nghĩa là được cưu mang và sinh thành trong một sự kiện, một nơi chốn, một thời điểm nào đấy. Buồn hay vui. Xa hay gần. Chung hoặc riêng. Chứ không phải từ trên trời rơi xuống, bỗng dưng, tình cờ. Ở đây và lúc này, chúng tôi muốn nói đến trường hợp riêng tư nào, hoàn cảnh lịch sử của thời cuộc nào, khi Hang Bê Lem và Cao Cung Lên cùng ra đời?
… Từ rộn rã – hân hoan của Hang Bê Lem.
“Đêm Đông, lạnh lẽo Chúa Giáng Sinh ra đời
Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá, nơi máng lừa
Trong hang Bê Lem, ánh sáng toả ra tưng bừng
Nghe trên không trung, tiếng hát Thiên Thần vang lừng
Đàn hát, réo rắt tiếng hát
Xướng ca, dư âm vang xa
Ôi, Chúa thiên toà giáng sinh vì ta…”
Bên trời Tây, nếu bài thánh ca của Áo và Đức là Stille Nacht do J.Mohr & F. Gruber sáng tác năm 1818 (do Đức Cha John Freeman Young, Giám mục giáo phận Florida chuyển dịch sang tiếng Anh là Silent Night, Holy Night năm 1859) đã mau chóng gây được tiếng vang quốc tế thế nào thì ở Việt Nam ta cũng đã có Hang Bê Lem của Hải Linh với tầm cỡ tương tự như thế. Cả hai đều thường được sử dụng làm bài thánh ca kết thúc thánh lễ trọng thể suốt mùa Giáng Sinh, tại hết thảy các nhà thờ ở Việt Nam và châu Âu. Lý do, cả hai đều toả ra sức mạnh gắn kết mọi người để mừng Chúa ra đời. Cả hai đều xứng đáng là bài thánh ca biểu tượng của mùa Giáng Sinh, không thể thiếu được. Ai cũng đã quen, đã thuộc nằm lòng, mở miệng, dễ dàng vào nhịp hát theo, như một dàn đồng ca đại chúng. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn của phụng vụ Công giáo thì một khi bài ca đã được chuẩn nhận (imprimatur/ nihil obstat/ được phép in, vì không có gì ngăn trở) thành “thánh ca”, là dòng nhạc được thần hứng – theo chỉ dẫn kinh điển của Huấn Thị De Musica In Sacra Liturgia- là “đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá vượt hẳn mọi nghệ thuật khác, từ điệu nhạc đến lời ca.”
Hang Bê Lem ra đời đúng vào mùa Giáng Sinh năm 1945, khi Hải Linh (1920-1988) vừa tròn 25 tuổi. Rõ rệt là vào tháng 11.1945. Chuyện kể rằng một hôm, Hải Linh có dịp ghé thăm toà soạn báo Đường Sống ở thành phố Nam Định. Chủ nhiệm tờ báo là ông Đỗ Viết Phúc (bút hiệu Minh Châu) nghe biết Hải Linh là một nhạc sĩ Công giáo tiếng tăm qua các bài hát trong tuyển tập Ca Vịnh Về Đức Mẹ đã xuất bản năm 1943, gợi ý muốn có một sáng tác mới để đăng trên số báo Đường Sống Giáng Sinh 1945. Không cần đợi lâu, mấy hôm sau, Hải Linh mang tác phẩm mới tinh “Hang Bê Lem“ tới và tập cho cả toà soạn cùng hát. Ai cũng hào hứng, thích mê. Thế là, Hang Bê Lem được ông chủ nhiệm chăm lo tươm tất, trọn gói: chịu mọi chi phí, gửi lên Hà Nội để hoạ sĩ Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ và in trên báo Đường Sống số đặc biệt Giáng Sinh 1945. Có lẽ vì vậy mà trong một số phiên bản, thấy có ghi tên tác giả là Hải Linh – Minh Châu. Và rồi, đúng vào thánh lễ Vọng Giáng Sinh đêm 24.12.1945, tại nhà thờ đá Phát Diệm, bài thánh ca Hang Bê Lem đã được ca đoàn là các thầy Đại chủng viện Phát Diệm long trọng hợp ca mừng Chúa Giáng Sinh và do chính tác giả là nhạc sĩ Francis Assisi Hải Linh (1920-1988) điều khiển. Hang Bê Lem, với cuộc ra mắt ngoạn mục ấy, đã thu hút ngay tình cảm của mọi người tham dự thánh lễ đêm ấy, vì giai điệu và lời ca rộn rã, hân hoan, diễn tả được trọn vẹn cảm xúc tôn giáo, pha lẫn dìu dặt, êm ái ở phần phiên khúc. Sau thánh lễ, giám đốc Đại chủng viện là linh mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909 – 1988 ) hết lời khen ngợi và khuyến khích, nâng đỡ Hải Linh có điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng. Đến khi lên ngôi Giám mục giáo phận Bùi Chu (1950), Ngài đã gửi Hải Linh du học Pháp và Roma chuyên sâu về âm nhạc. Trong thời gian từ 1950 đến 1956, Hải Linh đã lần lượt tốt nghiệp tại: Nhạc viện Sancta Cecilia – Giáo Hoàng Học Viện – Đại học Gregoriana Roma, với các môn:
– Bình ca (Chant Gregorien).
– Sáng tác (Composition Musicale).
– Ca trưởng (Chef de Choeur).
– Tốt nghiệp Ưu hạng tại Nhạc Viện Cesar Franck, với luận án “La Couleur Vietnamienne Dans Le Chant Gregorien / Sắc Màu Nhạc Việt Trong Bình Ca”.
Năm 1957, về nước, Hải Linh thành lập ngay ca đoàn mang tên Hồn Nước để tập luyện và lần lượt trình diễn hàng loạt những tác phẩm đạo đời, với tôn chỉ rõ ràng “Tôn vinh Thiên Chúa và Tán tụng Quê Hương”: Hang Bê Lem, Khải Hoàn Ca, Trường Ca Các Tạo Vật, Ave Maria, Tấu Lạy Bà, Ra Đời, Đà Lạt Trăng Mờ (phổ thơ Hàn Mạc Tử), Ra Khơi, Au Paradis, Hương Quê, Nhạc Việt, Cung Đàn Bạc Mệnh (trích đoạn Truyện Kiều), Trống Tràng Thành ( trích đoạn Chinh Phụ Ngâm)…
… Đến thánh thót, dịu dàng… của Cao Cung Lên.
Cao cung lên, khúc nhạc Thiên Thần Chúa
Hoà trong làn gió, nhè nhẹ, vấn vương
Ôi, linh thiêng, lắng nghe thoang thoảng cung đàn
Một đêm khuya vang, vẳng trong tuyết sương
Đàn ơi, cứ rung những điệu réo rắt
Hát khen Con Một Chúa Trời
Rày sinh xuống cõi đời
Hỡi người dương thế, lặng nghe cung đàn…”
Nếu nhạc đoàn Sao Mai (Bùi Chu, 1945) có Hải Linh với Hang Bê Lem thì nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (Hà Nội, 1945) có Hoài Đức với Cao Cung Lên. Nếu Hang Bê Lem được viết ở giọng trưởng (major), phơi mở tâm tình thúc giục, dâng trào hân hoan, rộn rã thì Cao Cung Lên lại được viết ở giọng thứ (minor), nhẹ nhàng, sâu lắng, êm dịu, thấm đẫm chất suy tư, cầu nguyện thiết tha. Cả hai bài thánh ca – có thể ví, như cặp anh em song sinh, cùng năm – nhưng mỗi người một tâm tính, một phong cách diễn đạt. Để tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thánh ca Cao Cung Lên, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ – trò chuyện trực tiếp khá may mắn và thân mật. Nói may mắn, vì cái duyên hạnh ngộ được lắng nghe và ghi chép rõ ràng từng lời cuối cùng, như một trăn trối. Bởi sau đấy không lâu, nhạc sĩ Hoài Đức lâm trọng bệnh, do hậu quả của 10 năm khổ sai, đày đoạ. Cuối cùng, ông rơi sâu vào hôn mê, sống đời thực vật, cho đến khi qua đời (7.7.2007). Còn nhớ, hôm ấy, một buổi chiều hạ tuần tháng 3 năm 1988, đúng một năm trở về, sau thời gian dài tù cải tạo qua các trại giam trong Nam, ngoài Bắc (1977-1987). Người về từ cõi chết ấy chính là linh mục – nhạc sĩ Giuse Lê Đức Triệu, bút danh Hoài Đức (1922-2007). Nơi ông tiếp chúng tôi chỉ là một căn gác xép chật chội và bề bộn, nằm tít trong hẻm 491 đường Trương Minh Giảng (sau 1975 đổi là Lê Văn Sỹ), thuộc giáo xứ Vườn Xoài. Tác giả Cao Cung Lên bây giờ trông khác hẳn vóc dáng phương trượng ngày xưa. Hơi thở đứt đoạn, ông kể: “Trước tình hình sáng tối chưa rõ ràng của tiêu thổ kháng chiến năm 1945, các chủng sinh của Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội) chúng tôi đã bị tan hàng, sơ tán về các địa phương xung quanh Hà Nội. Lý do, phải nhường chỗ cho quân đội của Tưởng Giới Thạch trú đóng. Bản thân tôi, lúc ấy 23 tuổi, đang học lý đoán (Triết học), phải bỏ dở, tản cư về giáo xứ Bút Đông, Nam Định để sống tạm qua mùa Giáng Sinh. Nói thật, hiểu biết và kinh nghiệm về sáng tác thánh ca, kể như chưa có gì. Một hôm, gần lễ Giáng Sinh. Tôi cùng giáo dân Bút Đông ra về, sau buổi kinh chiều trước hang đá Chúa Giáng Sinh. Đang chậm rãi từng bước,từ hành lang nhà thờ xuống khoảng sân gạch bên ngoài thì bỗng nhiên, tiếng chuông trên tháp nhà thờ vang lên. Tôi bước chậm lại và nghe rõ một cung điệu ngân lên vang vọng trong lòng tôi. Tôi thả hồn trôi theo tứ nhạc đó. Về đến cửa phòng thì trí óc tôi đã hình thành đoạn điệp khúc của Cao Cung Lên. Tôi vội ngồi xuống, lấy giấy bút, chép ngay điệp khúc đó và phiên khúc 1 của bài hát. Chép xong thì nguồn cảm hứng tắt ngấm, cố gắng tìm mãi không ra? Tôi đưa bản nhạc phác thảo cho Nguyễn Khắc Xuyên (1923 – 2005) xem. Nguyễn Khắc Xuyên gật đầu khen “nhạc du dương, rất hợp với bầu không khí Noel”, đồng cảm và ngỏ ý muốn viết thêm mấy phiên khúc sau. Do đó, tác giả của Cao Cung Lên, cần được ghi đúng là những gì anh em chúng tôi đã cùng làm: Nhạc của Hoài Đức. Lời của Hoài Đức và Nguyễn Khắc Xuyên.”
Được biết, linh mục – nhạc sĩ Hoài Đức, tên thật là Giuse Lê Đức Triệu, sinh năm 1922 tại Vỹ Nhuế, Nghĩa Hưng, Nam Định. Tu tập tại tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội (1933-1939); học triết và thần học tại đại chủng viện Xuân Bích (1945-1953); thụ phong linh mục (1959); giáo sư âm nhạc, Pháp văn, La Tinh (1959-1975); đi tù cải tạo (1977-1987), qua đời (7.7.2007).
Sự nghiệp âm nhạc gồm có:
– trên 100 bài thánh ca, góp mặt trong 15 Tuyển Tập Cung Thánh của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (1945-1975).
– Nhạc đoàn trưởng nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, thay thế nhạc sĩ Hùng Lân, từ 1959 đến 1975.
– Thư ký thường trực của Uỷ Ban Thánh Nhạc Việt Nam, phụ tá cho Tổng Thư Ký của Uỷ Ban Thánh Nhạc Việt Nam là đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục giáo phận Nha Trang.
– Nhạc Lý Ca Điệu Gregorio – Bình Ca: Tác phẩm biên khảo, giảng dạy (1961).
Đến nay, thời gian đã xấp xỉ trăm năm. Hang Bê Lem và Cao Cung Lên, cùng với tên tuổi của Hải Linh và Hoài Đức đã cùng nhau bước vào lịch sử của thánh nhạc – thánh ca Việt Nam . Và Giáng Sinh – Noel – Christmas, nhờ giai điệu cùng lời ca xuất thần ấy, càng thêm vẻ rực rỡ, huy hoàng của một lễ hội mang tính toàn cầu. Không chỉ còn là của riêng người Công giáo, của nhà thờ. Nhưng rõ ràng là, bằng thánh ca, Giáng Sinh còn mở rộng biên độ, đến với thế giới bên ngoài nhà thờ Công giáo: chỉ một tiếng chuông, một lời kinh, một tà áo thướt tha của một thiếu nữ đi lễ đêm, một bóng tháp giáo đường, một góc phố, một xóm đạo giăng mắc đèn sao, hang đá, một cây thông, một ông già Noel râu tóc trắng như bông, một hẹn hò lứa đôi, một tấm thiệp chúc mừng có hình cỗ xe tuần lộc lướt đi trong tuyết, một gói quà…Nhất nhất đều gợi mở, gọi mời mọi người chúng ta nắm tay nhau, hát vang… Chào chúc bình an. Merry Christmas.