Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta và nhắc nhớ rằng trong cuộc sống không cần phải là “những người lừa lọc,” vốn chỉ theo đuổi “lợi ích” của chính mình, nhưng hãy mở rộng khung trời sống tới sự “nhưng không” phổ quát.
“Ganh tị và hư danh” phá hủy nền móng của cộng đoàn, gieo vào sự chia rẽ và xung đột. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 05/11/2018. Khởi từ Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 14,12-14), Đức Thánh Cha lên án sự “tư lợi”, và nhấn mạnh rằng “sự nhưng không” mà Chúa Giêsu rao giảng “không mang tính lựa lọc.”
Sự “nhưng không” mang tính phổ quát, không lựa lọc
Lời giảng dạy của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “đừng làm gì vì tư lợi”, đừng chỉ dựa trên lợi ích để chọn bạn bè cho mình. Thực vậy, chỉ dựa trên “lợi ích cá nhân” là một hình thức vị kỷ, phân biệt. Trong khi đó, sứ điệp của Chúa Giêsu hoàn toàn ngược lại: sự “nhưng không” mở rộng khung trời cuộc sống, vì nó có tính phổ quát. Những gì được lựa lọc là “những điều chia rẽ” và chúng không hướng tới sự “hiệp nhất” mà thánh Phao-lô đã nói với các tín hữu Phi-líp-phê trong thư thứ nhất. “Có hai điều đi ngược lại với sự hiệp nhất là ganh tị và hư danh.
Cũng thế, nói xấu xuất phát từ ganh tị, bởi vì nhiều người nghĩ rằng mình không thể phát triển được, nhưng để vươn cao hơn người khác, người ấy tìm cách hạ giá người khác bằng việc nói xấu. Ghen tị chính là một cách phá hại con người. Và thánh Phao-lô bảo rằng: “Đừng, trong đười sống cộng đoàn, ước gì không có sự ganh tị.” Ganh tị là một trận chiến nhằm đè bẹp người khác. Thật là xấu xa, sự ganh tị: người ta có thể làm một cách công khai, trực diện hoặc bằng đôi găng tay trắng; nhưng nó luôn hướng tới việc tiêu diệt người khác và nâng cao bản thân. Và bởi vì tôi không thể sống đạo đức, thánh thiện như thế, tôi hạ giá người khác; vì thế, tôi luôn ở vị thế cao. Ghen tị là một con đường đi tới hành động vì tư lợi.
Hư danh phá hủy cộng đoàn
Điều gây tổn hại tương tự là những người tự hào rằng mình trổi vượt hơn người khác.
Điều này phá hủy cộng đoàn, phá hủy gia đình,… Lấy ví dụ, các bạn hãy nghĩ về sự ganh tị giữa các anh em với nhau trước di sản của người cha. Đây là điều xảy ra thường xuyên. Hãy nghĩ về sự hư danh, về những người tự hào là tốt hơn so với những người khác.
Đời sống Kitô hữu được sinh ra từ sự “nhưng không” của Chúa Giêsu
Kitô hữu phải noi theo gương của Con Thiên Chúa, hành xử cách nhưng không: làm điều tốt mà không bận tâm xem liệu người khác có làm giống mình không; gieo trồng sự hiệp nhất, từ bỏ “ganh tị và hư danh”. Xây dựng hòa bình với những cử chỉ nhỏ nghĩa là mở một con đường hiệp nhất trên toàn thế giới.
Khi chúng ta đọc những tin tức về chiến tranh, khi ta nghĩ tới những bản tin về cái đói của trẻ em ở Yemen, kết quả của chiến tranh là những trẻ em nghèo… nhưng tại sao họ không có gì để ăn? Bản tin chiến tranh có vẻ xa vời. Nhưng với sự ghen tị này, cuộc chiến như thế cũng xảy ra trong gia đình chúng ta, trong các tổ chức của chúng ta. Chiến tranh bắt đầu ở đó! Và hòa bình phải có mặt ở đó: trong gia đình, giáo xứ, các tổ chức, và nơi làm việc, khi ta luôn tìm kiếm sự hiệp nhất và hoà thuận chứ không phải tư lợi.
Trần Đỉnh, SJ
(VaticanNews 05.11.2018)