ƯỚC MƠ…

“Ngay từ buổi sớm mai
Xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa” (TV 143,8)
Mở mắt sau tiếng chuông báo thức, tôi tạ ơn Chúa vì Chúa cho tôi được sống thêm một ngày, vẫn còn được hít thở bầu khí trong lành, sẵn sàng cho một ngày mới.
Thời gian cứ thế trôi, những ngày phục vụ ở khu cách ly dần ngắn lại. Như thường lệ, sau khi đọc kinh sáng và dâng ngày cho Chúa, tôi bắt đầu công việc. Nhưng hôm nay tôi nhận thấy có nhiều điều lạ xung quanh mình. Bình thường, ăn tối xong là một “bãi chiến trường” từ phía trước ra phía sau. Thế mà hôm nay mọi thứ được dọn rửa sạch sẽ gọn gàng. “mọi người thường hay dậy trễ, mọi người sợ các sơ vất vả nên không dám để các sơ làm”: Đó là câu nói của cậu điều dưỡng làm tôi thấy vui.
Năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của chị em chúng tôi đã được Chúa dùng đến. Để thay đổi một thói quen chưa đẹp thật sự rất là khó, đòi hỏi phải quên mình rất nhiều. Nhưng với tất cả cố gắng và ý thức, tôi chỉ mong mình có thể đóng góp một chút gì đó nhỏ bé của mình, để cùng với ơn Chúa giúp cho đời ở chính nơi đây, trong thời điểm này.
Khi quét dọn vệ sinh dần xuống khu cấp cứu, tôi hỏi thăm một bệnh nhân đang ngồi ở hành lang, tôi thấy chú ấy vui vẻ và đã khỏe hơn, chú phụ tôi quét khoảng đường đi trước khu cấp cứu. Sự nhiệt tình và nhanh nhẹn của chú làm tôi thấy vui, nhìn thấy được tình thân giữa người với người, dù tôi và mọi người vẫn phải giữ khoảng cách, nhưng tình yêu thương đã liên kết chặt chẽ và bền vững rất nhiều so với cái khoảng cách bên ngoài kia.
Nhìn thực tại dịch bệnh trên toàn thế giới nói chung, cách riêng ở quê hương Việt Nam thân yêu, tôi khao khát cho tôi và mọi người tìm thấy ý nghĩa sâu xa của thảm họa đau đớn đang diễn ra. Phải chăng dịch bệnh Covid đã để lại rất nhiều bài học cho nhân loại…Một cuộc sống chậm lại mà sâu sắc, vì người ta tìm được khoảng lặng yên tĩnh cho mình. Một căn bản sống được thiết lập lại trong thời đại kỹ thuật số đã đánh mất đi việc sống cho và vì người khác. Một lối sống thoải mái và hưởng thụ đã làm lãng quên cả những kỹ năng căn bản nhất, vì mọi thứ đã có sẵn cho bản thân. Nhờ đại dịch, con người hiểu ra rằng đừng quá đặt nặng vào tham vọng vật chất đời này, nhưng biết nhìn đến sự thiếu thốn để học biết sống đủ: trân trọng thức ăn, nguồn nước…Bên cạnh đó giờ đây chữ  “vô thường”  dường như thể hiện rõ nét hơn. Thực sự không có gì bất biến trong cuộc đời này, cảm nhận sự sống và sự chết chẳng có rào cản nào. Nay người, mai ta…không ai biết trước được. Vì thế mà chúng ta nên quan tâm, yêu thương đong đầy trong các mối tương quan, nhất là đối với những người thân yêu máu mủ ruột rà.
Nhìn cảnh biết bao người ngày đêm đang vất vả hy sinh: các y bác sĩ, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm…và cả các bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh, tôi ước mơ:
  • Tôi ước mơ mọi người tìm ra ý nghĩa sâu xa rất đẹp từ chính những khó khăn hiện tại này.
  • Tôi ước mơ mọi người trân trọng thức ăn, nước uống…và dùng chúng như những người nghèo
  • Tôi ước mơ mọi người sử dụng điện, nước và các đồ dùng như chúng sắp bị “cắt” trong một thời gian dài.
  • Tôi ước mơ mọi người khi trao tặng cho người khác cả tinh thần lẫn vật chất thì chúng ta đều là những người giàu có nhất.
  • …Tôi và bạn…
Chúng ta cùng ước mơ thật nhiều để sống cuộc sống mỗi ngày một cách tích cực và ý nghĩa hơn.
KCL trường Cao Đẳng Y Tế Đồng Nai
Sr. Têrêsa Yến Nhi, sss.
Chia đồ cá nhân cho các bệnh nhân