VIẾT CHO EM, TÂN LINH MỤC

Em mến,

Em được thụ phong linh mục, “được lên hàng khanh tướng“. Gia đình, làng xóm và cả giáo xứ đều vui mừng hớn hở. Bố mẹ lại càng phấn khởi, tự hào: từ nay em sẽ là linh mục của Chúa, là cha của mọi người. Em sẽ dâng lễ mở tay, lễ tạ ơn. Sẽ có yến tiệc tưng bừng chỗ này chỗ kia. Em sẽ được mọi người ca ngợi, chúc tụng. Các đấng bề trên, các cha giáo, các bậc vị vọng đã khuyên răn em nhiều điều, nhiều khía cạnh. Anh không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ xin mượn lời Đức TGM Leopoldo Girelli nhắn nhủ đức tân giám mục Đa minh Nguyễn văn Mạnh, giám mục phó giáo phận Đà Lạt:

Vị đại diện Tòa Thánh cũng mong muốn Đức tân Giám mục bắt đầu cuộc hành trình giám mục bằng cách thăm viếng giáo dân để trở nên vị mục tử lắm mùi chiên như Đức thánh Cha nhắn nhủ và mang danh thánh Chúa đến cho những người chưa biết ngài” (Trích CGvDT số 2108 tr 15).

Em hãy thăm viếng giáo dân.

Anh biết có những mục tử, khi mới về nhận xứ, đã dành ra 2,3 năm để đi thăm hết vòng giáo xứ. Có mục tử từ ngày 29, 30 đến mùng 1,2, 3 tết, đã không về nhà thăm bà cố, mà dành thời gian để đi chúc tuổi mọi nhà trong giáo xứ.

Không những chỉ đi thăm, có những mục tử còn giúp đỡ các gia đình nghèo khó, neo đơn, kể cả những người không công giáo, bằng cách cho người nói với họ, hàng tháng cứ đến các đại lý gạo lấy đủ gạo về ăn. Đúng là cách cho tốt hơn của cho. Các gia đình này không mang mặc cảm nhận của từ thiện. Họ đến đại lý lấy gạo về, đàng hoàng như khách mua hàng. Tiền, cha sẽ nhờ người trả cho đại lý. Nhiều người ngoài công giáo, nhờ những lời thăm hỏi, những việc giúp đỡ này mà tìm về Chúa. Công tác thăm viếng của mục tử không chỉ là chuyện xã giao, xã hội. Việc này phải giống như sự kiện Mẹ Maria đi thăm bà Elizabeth. “ Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc1,43).

Anh còn nghe kể lại cha Augustino Nguyễn viết Chung, bác sĩ của người phong và Sida, linh mục dòng Vinh Sơn, gốc Phật giáo, mới qua đời. Ngài sống ở Sàigòn trong một căn phòng làm việc chật hẹp, nóng bức. Có một cái quạt trần, ngài cũng ít bật. Ngài nói tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền dành cho người nghèo, người bệnh.

Ngày còn bé, anh sống trong một giáo xứ nhà quê. Cha xứ là một cha già, thích ăn trầu và uống nước chè. Ngày đó mỗi khi bà ngoại về dưới phố, bao giờ bà cũng mua trầu cau và chè Blao. Anh còn nhớ anh phải đựng chè trong nón lá đem vào biếu cha. Cha già rất thân tình, xoa đầu anh và hỏi : “con có ăn dưa tây không?” Ngài cho anh một ly, còn dặn bôi vào áo cho thơm mùi dưa. Cha có một giàn dưa trước nhà xứ. Cha còn đích thân cắt ngọn dưa cho anh đem về trồng.

Anh còn biết một cha phó. Khi ngài được bổ nhiệm làm cha xứ ở nơi khác, những người ốm đau trong xứ mới biết số tiền hay số thuốc họ nhận được hàng tháng trước đây là của cha phó trao tặng.

Hình ảnh cha chính Phêrô Vũ trọng Thư, mỗi chiều chống batoong đi thăm giáo dân, vẫn còn đậm nét trong ký ức của nhiều người lớn tuổi trong giáo xứ mình.

Ôi, gương mặt các mục tử quá thân thương.

Nhưng chắc hẳn sẽ có lúc em nại ra nhiều lý cớ để không đi thăm hoặc giúp đỡ giáo dân: Nào là bận dâng lễ, soạn bài giảng, giải tội, cử hành bí tích, tiếp khách… như các thầy tư tế và Lêvi khi gặp người bị cướp đánh trên đường, và chỉ có người Samari ngoại đạo-có lẽ là thương gia-lại có thời giờ chăm sóc nạn nhân.(Lc10,30-35).

Thực ra, như người xưa thường nói:” Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” và có khi ” Gần thật gần mà mãi xa vời vợi“. Có thể họ sống sát cạnh nhà xứ, mà em vẫn không biết họ làm gì, ăn gì, uống gì, sống chết ra sao.

Anh biết có một người bạn, hơn 7 năm phụ trách ca đoàn giáo xứ, làm ca trưởng. Gia đình có 4 giáo lý viên và một trong những đứa con giáo lý viên đó đám cưới. Được mời, nhưng cha xứ và cha phó không đến dự. Một số cha từ xa đến dự tiệc, hỏi sao không thấy cha xứ, cha phó(các ngài biết gia đình anh ấy nhiều giáo lý viên, chắc hẳn gần gũi với các cha). Người bạn  tủi thân vì mặc cảm giáo dân hạng hai.

Em biết đó, làm trùm, làm trưởng, làm chánh thì được quý cha trọng vọng, mọi người kính nể chào hỏi, thưa kính. Còn giáo lý viên thì “âm thầm trong bóng tối mênh mông“. Chúa nhật tuần nào cũng phải soạn bài, giảng bài, chấm bài giáo lý . Có khi còn phải đồng hành với các em trong các Thánh Lễ. Nhưng mấy kẻ được “vua biết mặt, chúa biết tên”.

Nếu không đi thăm được hết cả mọi nhà. Ít ra những dịp ma chay cưới hỏi, em hãy cố gắng đến gặp gỡ, chia sẻ hoặc chúc mừng. Anh nghe nói nhiều cha chia sẻ bằng cách không nhận bổng lễ, không nhận “tạ” trong những dịp này. Nếu ngăn trở không đến dự tiệc cưới được, hãy cố gắng chúc mừng trước hoặc sau đám cưới.

Hay em ngượng ngùng khi đến thăm mà không có quà cho đôi tân hôn. Anh thiết nghĩ một vài cuốn sách giáo dục, một quyển Tân ước không phải là cái gì quá lớn với một linh mục.  Hoặc em có thể in một ít Sổ gia đình công giáo của giáo xứ-in đẹp, giấy láng đặc biệt- để tặng các gia đình mới.

Người nghèo họ nhiều mặc cảm lắm. Họ chẳng dám đến nhà xứ, vì họ chẳng có gì để biếu cha. Nếu có việc gì phải gặp các cha, thì họ khép nép, sợ sệt. Nhưng khi được các cha đến thăm thì họ rất cảm động và ấn tượng.

Anh viết dài quá rồi. Xin em chỉ nhớ trong công tác mục vụ của em: hãy dành giờ đi thăm giáo dân. Nếu không thăm được hết mọi nhà, hãy cố thăm họ trong những dịp vui,buồn đặc biệt của họ. Đừng nại lý cớ nào hết. Chúng ta có trăm ngàn lý cớ trong đời để miễn chước làm điều gì đó.

Nguyện Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn em trong mọi bước đường linh mục.

Anh của em.

Nguyễn Đức Lân