Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO
CỦA VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ
“Chúa đã ban Bánh bởi trời cho nhân loại,
Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon!”
Dẫn Nhập
Nói đến ý nghĩa thần học và linh đạo của việc tôn thờ Thánh Thể, là nói đến sự phong nhiêu của chính ý nghĩa đó, làm sao để ý nghĩa trở thành căn nguyên, lẽ sống, lối sống hay đường hướng sống, giúp chúng ta cảm nghiệm được thực tại Thánh Thể: “Chúa đã ban Bánh bởi trời cho nhân loại” và “Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon”. Như đọc thấy trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, Thánh Thể được minh định như là “nguồn và đỉnh cao tất cả đời sống và sứ mạng” của Giáo Hội, là “trung tâm của toàn thể đời sống tín hữu”[1], là bản toát yếu và tổng luận đức tin Kitô Giáo.[2]Do đó, biết Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Thánh thể là sống trọn vẹn nguồn ân phúc thiêng liêng dồi dào của Thiên Chúa, vì Thánh Thể chứa đựng “chính Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là Bánh trường Sinh trao ban sự sống cho nhân loại”[3]. Lời diễn ý của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh có thể cô đọng tất cả:
Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Độ của chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế khổ giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để uỷ thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai.[4]
Trong ý nghĩa đó, cử hành Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể là hai khía cạnh, “động và tĩnh”, hai nhịp điệu “bất khả phân ly” của một thực tại cội nguồn là Hy Lễ Tạ Ơn, là bản hoà âm chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa của toàn thể Giáo Hội. Chính vì vậy, được cử hành như một nghi thức tiếp nối hay nối dài Thánh Lễ, việc tôn thờ Thánh Thể, hay chầu Thánh Thể giúp chúng ta nghiệm lại được những hiệu quả của ơn cứu độ từ trong cuộc cử hành tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, là “Nguồn mạch bất tận của đời sống tâm linh”,[5]là nơi phát sinh “các đức hạnh”,[6]là “căn nguyên và trung tâm đời sống linh mục” và là “nguồn mạch và chóp đỉnh của việc Phúc Âm hoá”.[7]Bởi vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, các tín hữu đã ý thức sâu xa về sự hiện diện cận kề của Chúa Phục Sinh nơi nhiệm tích Thánh Thể, vì biến cố Vượt Qua của Người vừa là “về cùng Cha”, vừa là “đến với” chúng ta. Cộng Đoàn các tín hữu đã trân trọng lưu giữa Mình Thánh Chúa như là Bánh Trường Sinh, để đem đến cho các bệnh nhân, hoặc để dành cho những ai, vì bị cách trở, không thể đến tham dự nghi thức bẻ bánh. Hơn nữa, vào thời Trung Cổ, khi các tín hữu không có mấy cơ hội được rước lễ thường xuyên, vì những hoàn cảnh sống với nhiều lý do và tình huống phức tạp, lòng họ ước ao được chiêm ngắm Bánh Thánh lại càng dâng cao mạnh mẽ. Từ đó, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, với nhiều hình thức sùng mộ khác nhau, được khởi đầu và phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống Giáo Hội. Tiếp theo là Công Đồng Vaticanô II, và nhất là cho đến những năm gần đây, vị trí, tầm quan trọng cũng như giá trị của việc tôn thờ Thánh Thể được Giáo Hội chính thức xác nhận, minh định và đề cao như là một hành vi phụng tự. Chính Thánh Lễ khơi nguồn cho lòng tôn sùng Thánh Thể và lòng tôn sùng Thánh Thể quy hướng về cuộc cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ. Trong Thông Điệp “Mysterium Fidei” [Giáo Lý về sự Tôn Sùng Thánh Thể], Đức GH Phaolô VI đã chứng thực:
Giáo Hội diễn tả niềm tin vào sự hiện diện của Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Thể và không ngừng thể hiện một lòng tôn thờ chỉ dành riêng cho Chúa.Giáo Hội đã và tiếp tục tổ chức nền phụng tự tôn thờ đối với bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ mà còn ngoài giờ cử hành Thánh Lễ nữa, qua việc cẩn thận lưu giữ những bánh lễ đa được hiến thánh, qua việc trưng bày cho các tín hữu long trọng chầu kính…Cầu nguyện trước Thánh Thể, những giờ tôn thờ Thánh Thể cách ngắn ngủi, lâu giờ hay hằng năm, chầu Phép lành, kiệu Thánh Thể, các Đại hội Thánh Thể.[8](56-74).
Cũng thế, trong Tông Thư “Dominicae Cenae”[Về mầu nhiệm Thánh Thể và việc phụng thờ Mình và Máu Thánh Đức Kitô], chúng ta có thể thấy rõ chủ đích của Đức Gioan Phaolô II, về mối tương quan giữa Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, khi Người nhấn mạnh: “vì linh mục là người của Thánh Thể, nên việc tôn thờ Thánh Thể cần được toả chiếu trong đời sống linh mục.” Bởi vậy, linh mục hiện hữu là “do Bí tích Thánh Thể” và “cho Bí tích Thánh Thể”. Và ở phần kết luận Tông Thư, Người đã khẳng định:
Mầu nhiệm này cũng được ban tặng cho toàn thể dân Chúa, cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô nhưng riêng chúng ta là linh mục, là những người đã được Chúa trao Bí tích Thánh Thể để phục vụ người khác. Họ là những kẻ mong đợi nơi chúng ta một chứng tá đặc biệt về lòng sùng kính và mến yêu bí tích này”.[9]Vì vậy, “Sự tôn thờ là câu đáp trả trọn nghĩa với “Tình Yêu”của Đấng đã hy sinh cho đến chết trên thập giá, và đó là cách thức chúng ta “Tạ ơn”,nghĩa là dâng lên lời tri ân của chúng ta, lời ngợi khen, vì chúng ta đã được cứu thoát nhờ cái chết của Người và được chia sẻ đời sống bất tử nhờ cuộc phục sinh của Người”.[10]
Từ những suy tư trên, với tất cả tâm tình của người Mục Tử, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi các linh mục đáp trả sự mong đợi của Giáo Hội một cách quảng đại, khi nhận định rằng:
Hội Thánh và thế giới ngày nay đang rất cần việc tôn sùng Thánh Thể. Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Chúng ta đừng tiếc thời giờ để đến gặp Người trong tôn thờ, trong chiêm ngắm đầy đức tin và luôn sẵn sàng đền tạ các tội lỗi của thế giới. Chớ gì chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ việc tôn thờ Thánh Thể!.[11]
Như thế, theo những lời huấn dụ, những thao thức đó, chúng ta cảm nhận được lý do sâu xa cũng như ý nghĩa thiêng liêng của việc tôn thờ Thánh Thể, để có thể “nếm thử và nghiệm xem cho biết Chúa thiện hảo dường bao”. Bởi vì tôn thờ Thánh Thể chính là cầu nguyện trước Thánh Thể. Theo nguyên ngữ La-tinh: “Adoratio”: tôn thờ, gồm chữ “Ad” là hướng đến hay đến gần và “Ora” là cầu nguyện. Như vậy, tôn thờ thánh Thể là một cuộc xuất hành thiêng liêng, nghĩa là ra khỏi chính mình, vượt qua cõi riêng mình, mà đến gặp gỡ Chúa, trong nhiệm tích Thánh Thể, để trọn vẹn sống cho và chạm được Đấng mà tất cả hiện hữu của Người là “xuất hành”, là tình yêu siêu vượt bản thân, đã đến trước chúng ta, đang chờ đợi và ngự giữa chúng ta, trong tấm bánh rất đơn sơ, tầm thường, như một lời ngỏ: “Hãy đến mà xem!Hãy đến mà thờ lạy!”. Hơn nữa, nếu kinh nghiệm tôn thờ đích thực là kinh nghiệm cầu nguyện, thì đó không phải là kinh nghiệm ở giai đoạn cuối, mà thực ra là kinh nghiệm ở ngay giây phút thánh thiêng khởi đầu, như một cuộc hội ngộ, một cách tiếp xúc với Chúa, trực tiếp nhất, thâm sâu nhất, bao hàm chiều kích hiện diện chủ vị và liên vị, đối thoại, hiệp thông và hoàn vũ trong đức tin, nếu như “giác quan không cảm thấy gì”.
-
1. Hiện diện liên chủ vị, đích thân và đích thực:
Trước hết, tôn thờ Thánh Thể là cầu nguyện trước Thánh Thể, là đến với Chúa, hiện diện bên Chúa, như lúc nào Chúa cũng hiện diện và sự hiện diện của Người là sự hiện diện trong Thần Khí bao trùm cuộc sống của chúng ta. Đó là một sựhiện diện chủ vị, đích thân và đích thực trong tương quan liên vị với Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Một sự hiện diện thâm tình trọn vẹn, thiêng liêng huyền diệu của Đấng Phục Sinh, nhưng tự hạ, tự hiến và ẩn mình dưới hình dạng khiêm cung của Tấm Bánh. Tuy thật bé nhỏ, mọn hèn, mà Tấm Bánh có thể lấp đầy mọi khoảng cách giữa: “Này Thầy đây, đừng sợ !” (Mt 28:10) và “Này con đây, lạy Chúa !”, để chỉ muốn nói lên một điều tinh trắng, tinh tuyền, thật tình, tròn đầy của tình yêu chất chứa trong một Tấm Bánh: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).
Và nếu hiện diện đích thân, đích thực, trong kinh nghiệm nhân linh, vẫn luôn là sự hiện diện với một ai đó yêu thương và sống cho chúng ta, thì đó chính là sự hiện diện vì nhau và cho nhau từ hai phía của một tương giao thân tình. Phải chăng, vì thế, mà sự hiện diện “thực sự, đích thực và bản thể” của Đức Kitô trong Thánh Thể có thể được hiểu và cảm nhận trong bối cảnh của cấu trúc liên vị, bằng một ngôn ngữ hết sức giản dị, đơn thành hầu như vô ngôn lặng lẽ:“Chúa đó” và “con đây”. Như vậy, trước Thánh Thể, khi tôn thờ Đấng đang hiện diện “ở đây và lúc này”, chúng ta có thể xác tín rằng Người muốn chúng ta được ở nơi Người đang ở, trong ngày hôm nay, trong “giờ” của Người, giờ cứu độ siêu vượt trên mọi “thời giờ” của lịch sử, giờ tình yêu trong chính cung lòngcủa Người: “Hãy ở lại trong Thầy”(Ga 15: 4), “để niềm vui của anh em được nên trọn”. Phải chăng sự hiện diện thân mật và sống động đó đã nói lên tất cả ý nghĩa “bị đâm thâu” của trái tim Chúa và nỗi khát mong khôn nguôi của con người? Vì Chúa như thể: “Tôi khát” (Ga 19:28) trên đỉnh Canvê năm xưa, còn chúng ta như thể: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Như thế, sự hiện diện Thánh Thể là sự gặp gỡ của hai cơn khát, tìm đến nhau và cùng tìm về gặp gỡ. Khi tôn thờ Thánh Thể là lúc chúng ta dừng chân lại, ở bên Chúa, sống với Chúa, để học biết sự thật về Chúa là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29), vì có nơi nào hơn nơi đây, Người đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giầu có trong ân sủng. Người đã tự hiến chính mình, cho chúng ta được sống dồi dào sung mãn (Ga 10:10). Người đã “co cụm” hiện hữu của mình, mặc lấy thân phận mỏng manh thấp hèn của tấm bánh, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, không còn sống cho chính mình nữa. Tất cả hiện hữu của Người trọn vẹn là hiến dâng, trọn vẹn là sống vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, cho chúng ta được bước vào cảnh vực thần thiêng, được “ở cùng Người”, và “Người ở cùng chúng ta”, bởi vì vĩnh cửu là gì nếu không phải là “Hôm Nay”, là hiện tại ngay giữa dòng thời gian thắm thoát trôi qua. Nói cách khác, Đức Kitô, “hôm qua, hôm nay và ngày mai”, là Đấng duy nhất, đứng trên đỉnh viên mãn của thời gian, đã mặc lấy thân phận thời gian của con người, để dẫn đưa con người vào trong chính Người, là “Hiện Tại Vĩnh Hằng”. Vì là Tình Yêu siêu vượt trên tất cả, nên Trái Tim của Người mênh mông hơn thân phận giới hạn của chúng ta với những nỗi yếu hèn của con người trong thời gian và không gian. Một lần nữa, như lời Đức Gioan Phaolô II trong “Dominicae Cenae”:
Sự găp gỡ liên chủ vị làm nên bản chất của việc tôn thờ Thánh Thể: Trong tư cách là thầy dậy và người bảo vệ chân lý cứu độ về Mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta cần chú tâm đến ý nghĩa và chiều kích của việc gặp gỡ Đức Kitô trên bình diện bí tích và sự thân mật với Người. Thật vậy, đó là những điều tạo nên bản chất của việc tôn sùng Mầu nhiệm Thánh Thể.[12]
Như thế, tôn thờ Thánh Thể có thể mở cho chúng ta cơ hội để sống “nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa”, để yêu thương, để biết “hiện hữu, sống và cử động”, để xuất hành ra khỏi chính mình và trải rộng thân mình đến mức vô biên vô tận là được hiệp nhất với Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu. Như lời Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, để con biết con”. Tôn thờ Thánh Thể cách đơn thành, vô vị lợi là tiếp cận với khả năng khai mở cao vời nhất của con người, và đó mới là ý nghĩa tâm linh đích thực của hiện hữu và đời sống kinh nguyện.
-
Đối thoại trong thinh lặng của cõi lòng
Hơn nữa, sự hiện diện “thực sự, đích thực và bản thể” của Đức Kitô trong Thánh Thể, để chúng ta tôn thờ, chúc tụng tôn vinh, và thuận tình gặp gỡ sẽ dẫn đưa vào một cuộc đối thoại trong thinh lặng, để cho tình yêu lên tiếng. Bởi vì, trở về với nguyên ngữ “Adoratio”, tôn thờ còn mang ý nghĩa chiêm ngắm, chiêm nghiệm hay trầm trồ thán phục khi chợt nhìn ra vẻ đẹp cuốn hút của một ai đó chúng ta thực tình yêu mến, và ngưỡng mộ đến độ tôn thờ. Vì thế cầu nguyện không nhất thiết là nói nhiều, mà là yêu mến nhiều. Hay như kinh nghiệm của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu:“Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ, là tiếng kêu tri ân và yêu mến, trong cơn thử thách, cũng như lúc vui mừng”.[13]Thật vậy, trong giờ tôn thờ Thánh Thể, khi Mình Thánh Chúa được trưng bày, khi Lời Chúa được công bố, đó là lúc Chúa đến trong Lời của Chúa và nói với chúng ta “qua lời của con người, theo cách nói của con người, và khi ngài phán bảo, cũng là lúc ngài tìm gặp chúng ta” (Augustinô). Những bài ca tôn vinh chúc tụng được cất lên, những bài đọc với phần suy niệm theo phương cách “lectio divina”, những câu kinh khoan thai và lời nguyện cầu dịu dàng, có thể giúp chúng ta ra khỏi những mối quan tâm hay lo âu về chính mình, và khơi dậy ước muốn được dưỡng nuôi, được sống bằng Mình Thánh Chúa, khi gậm nhấm Lời Chúa một cách thiêng liêng trìu mến. Tôn thờ như thế, tuy có thể là cầu xin khấn nguyện hay thổ lộ tâm tình, nhưng thực ra chính là để mình được Chúa yêu thương, là phó thác, là thanh thản buông xuôi tất cả vào trong cung lòng Người.
Trong ý nghĩa đó, cầu nguyện trước hết là thinh lặng. Nhưng thinh lặng không phải chỉ là im lặng, mà thực ra là thái độ lắng nghe Đấng là Lời và Bánh hằng sống của Thiên Chúa. Như vậy, hành vi tôn thờ là lãnh nhận, là chờ đợi tình yêu của Chúa. Đó là sự chọn lựa bước vào tương quan yêu thương với Người, vào trong sự hiện diện khiêm hạ thầm kín, nhưng bao trùm tất cả, và chấp thuận để Người tự do lên tiếng khi nào và cách nào Người muốn, như “nước được đem vào đây để hoá thành rượu” bội hậu trong tiệc cưới Cana, vào chính “giờ” của Chúa (Ga 2:1-11). Nói cách khác, tôn thờ là thinh lặng như “một ước ao cháy bỏng” để cho trái tim đàm đạo với trái tim, cho tình gọi tình, hay như lời vịnh gia: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm. Khi tiếng thác của Ngài kêu dội ầm vang” (Tv 42:8). Cũng chính ở đây, chúng ta có thể nhận thức rằng, cuộc đời và thế giới chúng ta đang sống đầy những nỗi vất vả truân chuyên, với biết bao nhiêu phấn đấu trăm chiều, nhọc nhằn, và có đôi khi hay nhiều khi bị chìm ngập trong những lời nói “trống trải” ồn ào, bên cạnh những cám dỗ “vô nghĩa” và sự đời náo động. Có lẽ giờ chầu Thánh Thể là thời điểm thích hợp nhất trong một ngày sống cho tâm thức phân định lắng nghe, nhất là đặt mình trong tư thế nội tâm cũng như trong cung cách hay thái độ “thinh lặng” nhẹ nhàng, đầy ý thức, tỉnh thức, và chú ý tới những điều Chúa muốn nói với chúng ta, qua các biến cố và mọi sự thể, để chính Chúa đem đến sức mạnh thần linh, nguồn an vui, niềm hy vọng và ơn cứu độ cho tâm hồn.
Khi người tôn thờ đã quen dần với sự tĩnh lặng và chỉ để cho tâm hồn lên tiếng, họ sẽ cảm thấy toát lên một niềm vui, một sự bình an sâu thẳm trong nội giới, nhất là khi tâm tình cầu nguyện của trái tim bộc phát tự nhiên với hơi thở đều đặn mà không cần nỗ lực vất vả. Cảm nghiệm đó chính là một cảm thức về ân sủng của Thiên Chúa như là siêu nhiên bao trùm và thăng tiến tự nhiên, khi tự nhiên thuận tình hoà mình vào trong siêu nhiên. Đó chính là lúc tâm hồn được Thần Khí biến đổi, được tái sinh, khi chúng ta cảm nhận mình thực sự được yêu thương, tha thứ, được chữa lành những vết thương tâm và những nỗi lo sợ của phận người, được đón nhận và nâng lên để làm bạn hữu với Chúa, và liên kết với các Thánh của Người: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:15). Như vậy, phải chăng tôn thờ Thánh Thể là “xuất hành”, là đánh mất chính mình mỗi ngày trước Thánh Thể, để rồi lại tìm được chính mình, một bản ngã phong phiêu, chân thực, hội nhất trong Chúa, để “hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình” (Tv 131:2), và từ đó mà niềm hoan lạc reo lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, trong Đấng Cứu Độ tôi” (Lc1:46).
-
3. Hiệp Thông Sự Sống và Tình Yêu